Ông Erdogan được cho là đang chỉ đạo thực hiện hành động cân bằng, cẩn trọng với các bên có liên quan tới xung đột Nga - Ukraine. Ảnh minh họa: Iravaban
Theo quan điểm của ông Erdogan, Nga và phương Tây đều đáng tin cậy như nhau. Đó là những gì được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói vào ngày 18/9, khi bình luận về sự tin cậy chung của phương Tây và sự thất vọng của ông khi những nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ không được đền đáp.
"Trong chừng mực nào đó, phương Tây đáng tin cậy thì Nga cũng đáng tin cậy không kém", ông Erdogan nói với đài truyền hình PBS của Mỹ. "Trong 50 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi trước ngưỡng cửa EU. Tại thời điểm này, tôi tin tưởng Nga nhiều như cách tôi tin tưởng phương Tây".
Sau chuyến thăm Nga ngày 4/9, ông Erdogan tin rằng ông Putin muốn nhanh chóng kết thúc xung đột ở Ukraine.
"Ông Putin muốn kết thúc cuộc xung đột này sớm nhất có thể. Đó là những gì ông ấy nói và tôi tin điều đó", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Theo Al Jazeera, ông Erdogan đang chỉ đạo thực hiện hành động cân bằng, cẩn trọng với các bên có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với xung đột ở Ukraine.
Lập trường trung lập của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại những lợi ích kinh tế và chính trị to lớn cho bản thân ông và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vốn đang chật vật với cuộc suy thoái kéo dài 5 năm và bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận động đất vào tháng 2 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
"Quan điểm địa chính trị của ông Erdogan dựa trên việc cân bằng 3 điểm đối đầu chính trị: phương Tây, Nga và Trung Quốc", Al Jazeera dẫn lời nhà phân tích Aleksey Kushch, sống ở Kiev.
"Từ mọi hướng, ông Erdogan đều nhận được lợi ích tối đa. Thị trường, công nghệ hiện đại hóa kinh tế từ phương Tây; vật chất thô giá rẻ, nhiên liệu và một trung tâm khí đốt tự nhiên từ Nga; quá cảnh hàng hóa và đầu tư từ Trung Quốc", ông Kushch phân tích thêm.
Một số người Ukraine hoài nghi về lập trường trung lập của ông Erdogan.
"Ông ấy giống như một thương lái ở chợ vậy. Ông ấy mỉm cười thân thiện và hỏi thăm về gia đình bạn, nhưng thực chất ông ấy chỉ muốn bạn mua hàng và giới thiệu ông ấy với những người mua tiềm năng", Valentin Aleksashenko, một nhà phân tích Ukraine, nói.
Nhưng theo Al Jazeera, lập trường của ông Erdogan thực sự có lợi cho Ukraine ở một số khía cạnh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã gọi người đồng cấp Ukraine là "bạn thân" và trải thảm đỏ tiếp đón tại Istanbul. Cũng chính Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian quan trọng giúp trao đổi tù binh và gia hạn "thỏa thuận ngũ cốc", giải quyết vấn đề xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen.
Các UAV tấn công Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng ở Ukraine tới mức, người dân ở đây đã dùng cái tên Bayraktar để đặt tên một số đài phát thanh, các gói cước điện thoại di động hay thực đơn bữa trưa.
Gonul Tol, nhà phân tích gốc Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Viện Trung Đông, một công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ, cho rằng: "Theo quan điểm của Erdogan, ông ấy không thể xa lánh phương Tây hay Nga".
Ngược lại, EU, Mỹ và Nga cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với ông Erdogan hết lần này tới lần khác, theo các chuyên gia.
"Theo quan điểm của phương Tây và Nga, cho dù có thất vọng với ông Erdogan tới đâu, họ vẫn phải hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ", nhà phân tích Gonul Tol nhận định.
Theo Al Jazeera, ông Erdogan còn có nhiều điểm chung với ông Putin. Cả hai đều sinh ra vào thập niên 50 và có nhiều kinh nghiệm trong chính trị.
Cả hai đều được cho là hoài niệm về thời kỳ hoàng kim của đất nước mình và nỗ lực đưa thời kỳ đó quay trở lại bất chấp khó khăn. Hơn hết, ông Erdogan và ông Putin đang tìm ra tiếng nói chung.
"Thời gian đã cho thấy cả 2 nhà lãnh đạo đều đảm bảo lợi ích của nước mình, nhưng có thể đồng ý và chấp nhận thỏa hiệp. Điều đó khiến mối quan hệ của họ có phần độc đáo trong thế giới ngày nay", Emil Mustafayev, nhà phân tích ở Azerbaijan, nói.
Nguyễn Thái - Al Jazeera