Chưa bao giờ, cụm từ “check VAR” sao kê lại hot như bây giờ. Nguyên nhân bắt nguồn từ sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tung hơn 12.000 trang sao kê số tiền chuyển khoản ủng hộ đồng bào vùng bị mưa lũ, nhiều netizen phát hiện ra loạt người nổi tiếng “phông bạt” tiền ủng hộ, nói một đằng nhưng làm thì một nẻo.
Và cũng chưa bao giờ, nhiều người lại ước mơ trở thành “kiểm toán viên” đến thế, bởi nhiệm vụ ngồi “soi” sao kê đối với nhiều người là vô cùng thú vị. Vậy thì nghề kiểm toán viên là gì mà lại “rần rần” từ suốt hôm qua, cùng khám phá nhé!
Đôi nét về nghề kiểm toán
Kiểm toán là các công tác liên quan đến việc thu thập, đánh giá, và xác thực các bằng chứng liên quan đến thông tin tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, có thể xác định và báo cáo mức độ phù hợp giữa các thông tin đó đối với các chuẩn mực đã được thiết lập.
Hiểu một cách đơn giản, kiểm toán là hoạt động kiểm tra, xác minh tính trung thực, chính xác của báo cáo tài chính. Thông qua đó, người làm kiểm toán có thể cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổ chức. Không chỉ đối với các chủ thể doanh nghiệp, mà kết quả kiểm toán còn có sức ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư đang quan tâm đến tình hình tài chính. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính còn là cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của một tổ chức đối với cơ quan nhà nước.
Kiểm toán là một ngành nghề đặc thù, yêu cầu nhân viên kiểm toán phải có kiến thức về kế toán và kiểm toán viên phải có chuyên môn cao. Công việc kiểm toán đòi hỏi kiểm toán viên phải hiểu sâu về lĩnh vực tài chính, thuế, quản lý và các quy định pháp lý liên quan để thực hiện công việc một cách chính xác. Đồng thời, kiểm toán viên phải đảm bảo tính tự do và độc lập để kiểm tra và xác minh sổ sách và bảng kê khai của doanh nghiệp một cách minh bạch trong quá trình kiểm toán.
Nhắc đến ngành Kiểm toán, thì ngôi trường nổi tiếng nhất đào tạo ngành này chắc chắn phải kể đến Học viện Tài chính - ngôi trường được dự kiến sẽ trở thành trường trọng điểm quốc gia về ngành Tài chính. Ngoài ra, ngành kiểm toán ở các trường như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương hay Học viện Ngân hàng cũng vô cùng xịn xò.
Còn về chương trình học, theo phân phối chương trình đào tạo ngành Kiểm toán của Học viện Tài chính, các bạn sẽ phải học một số môn tiêu biểu như: Kiểm toán căn bản, Kiểm toán nội bộ, Kế toán Tài chính, Kiểm toán các thông tin tài chính khác, Phân tích tài chính doanh nghiệp, Thuế…
Cơ hội việc làm ra sao?
Ngành Kiểm toán này mang lại cơ hội việc làm rất lớn và tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp ngành kiểm toán, bạn có thể đảm nhiệm một số công việc như: Kiểm toán viên; Thủ quỹ, kiểm soát viên; Tư vấn kế toán, thuế; Nghiên cứu viên, giảng viên kiểm toán - kế toán; Thanh tra kinh tế; Tư vấn tài chính cho công ty, doanh nghiệp…
Chưa dừng lại ở đó, đã là “dân kinh tế”, thật không ngoa khi nói 10 người thì 9 người mơ được vào làm ở các công ty thuộc nhóm BIG bởi danh tiếng, cùng cơ hội phát triển rộng mở. Mỗi một lĩnh vực sẽ có một nhóm BIG riêng, đối với dân kế - kiểm, thì BIG4 trong lòng họ đó chính là PwC, Deloitte, KPMG và EY.
Lương của kiểm toán viên nhất định sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình làm việc và kinh nghiệm tích lũy. Có thể nói đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng để quyết định xem doanh nghiệp có tuyển dụng ứng viên hay không. Tất nhiên, nếu kinh nghiệm của ứng viên càng sâu dày thì lương sẽ càng cao.
Dưới đây là ví dụ về mức lương ứng với từng cấp bậc và kinh nghiệm của kiểm toán viên mà bạn có thể tham khảo, tuy nhiên thực tế mức lương có thể khác biệt: Lương kiểm toán mới ra trường khoảng 5 triệu đồng/tháng; Kiểm toán viên bậc trung cấp với kinh nghiệm trên 1 năm khoảng 7-10 triệu đồng/tháng; Kiểm toán viên bậc cao cấp với kinh nghiệm trên 5 năm khoảng từ 15-25 triệu đồng/tháng.
Những ai hợp học ngành kiểm toán?
Người phù hợp học ngành kiểm toán thường cần có những đặc điểm sau:
1. Tư duy logic và phân tích: Người học kiểm toán cần có khả năng suy nghĩ logic, phân tích số liệu một cách chính xác để đưa ra nhận định và báo cáo.
2. Chú ý đến chi tiết: Ngành kiểm toán đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận trong việc xem xét các báo cáo tài chính và giao dịch kế toán.
3. Đạo đức nghề nghiệp: Người làm trong ngành kiểm toán cần có đạo đức nghề nghiệp cao, đảm bảo sự trung thực và minh bạch trong công việc.
4. Kỹ năng giao tiếp: Việc trình bày và giải thích các phát hiện kiểm toán với khách hàng hay các bên liên quan yêu cầu kỹ năng giao tiếp tốt.
5. Khả năng làm việc độc lập và theo nhóm: Người học kiểm toán cần có khả năng làm việc một mình khi cần thiết, nhưng cũng phải hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp và khách hàng.
6. Thích ứng với sự thay đổi: Luật lệ và chuẩn mực kế toán thay đổi thường xuyên, nên người học cần dễ dàng thích nghi với những thay đổi này.
7. Kỹ năng sử dụng công nghệ: Kiểm toán viên hiện đại cần sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán và kiểm toán, cũng như hiểu biết về hệ thống thông tin quản lý.
8. Khả năng chịu áp lực cao: Môi trường kiểm toán đôi khi đòi hỏi làm việc trong thời hạn chặt chẽ và áp lực công việc lớn, đặc biệt trong mùa kiểm toán.
Người có những đặc điểm này có khả năng phát triển thành kiểm toán viên giỏi, đóng góp giá trị cho doanh nghiệp và xã hội.
Tổng hợp
Đông