Bà Harris nhận cảnh báo về "bất ngờ tháng 10"
Tờ USA Today ngày 1/10 đưa tin, chiến dịch tranh cử của hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump khó có thể diễn ra suôn sẻ trong những tuần cuối của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Một "bất ngờ tháng 10" có thể đang đến rất gần.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - đối thủ tranh cử Tổng thống của ông Trump vào năm 2016 - vừa gửi tới bà Harris lời cảnh báo về "bất ngờ tháng 10", dựa trên những trải nghiệm thực tế của cá nhân.
"Bất ngờ tháng 10" được dùng để chỉ một câu chuyện giật gân, ít ai ngờ tới về một ứng cử viên đang tham gia tranh cử, có khả năng làm chệch hướng chiến dịch tranh cử trong giai đoạn cuối, từ đó ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Năm 2016, "bất ngờ tháng 10" của bà Hillary Clinton đã ập tới chưa đầy 1 tháng trước Ngày bầu cử, khi WikiLeaks tiết lộ 2.000 email tuyệt mật liên quan tới bà.
Những bức thư này được cho là do ông John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử cho bà Clinton gửi trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2016, với nhiều nội dung cho thấy hoạt động bên trong chiến dịch tranh cử, các khoản quyên góp trong Quỹ Clinton, trích dẫn những bài phát biểu liên quan đến lĩnh vực thương mại có thể gây bất lợi cho chiến dịch của bà Hillary Clinton.
"Tôi dự đoán sẽ có điều gì đó xảy ra vào tháng 10, như thường lệ" - Bà Clinton nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với PBS - "Sẽ có những nỗ lực phối hợp để bóp méo và làm sai lệch về Kamala Harris, con người bà ấy, những gì bà ấy đại diện, những gì bà ấy đã làm".
Clinton cho biết bà đặc biệt lo ngại Nga, Iran, Trung Quốc sẽ khởi động chiến dịch thông tin sai lệch trên mạng xã hội, cũng như các tổ chức truyền thông ủng hộ Trump có thể sẽ đăng tải "các câu chuyện bịa đặt".
"Tôi dự đoán sẽ có một sự kiến lớn trong tháng 10. Không gian mạng sẽ ngập tràn thông tin" - Bà Clinton nói.
Hỗn loạn ở hàng chục cảng biển Mỹ, một "bất ngờ tháng 10" đã bắt đầu?
Một ngày sau cảnh báo của bà Clinton, đài Al Jazeera (Qatar) cho biết, 45.000 công nhân đã đình công tại hàng chục cảng biển trên khắp nước Mỹ, khoảnh khắc "bất ngờ tháng 10" có thể đã đến.
Quyết định đình công của Hiệp hội công nhân bốc xếp quốc tế (ILA) đang đe dọa gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế chỉ vài tuần trước cuộc bỏ phiếu ngày 5/11.
Hoạt động đã bị đình trệ tại 36 cảng biển ở Bờ Đông và Bờ Vịnh, trải dài từ Texas đến Maine – những nơi tập trung hơn một nửa lượng hàng nhập khẩu tới Mỹ bằng đường biển.
Cuộc đình công kéo dài có nguy cơ gây ra sự hỗn loạn cho chuỗi cung ứng, dẫn tới tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng cao cho người tiêu dùng. Những mặt hàng nằm trong diện bị ảnh hưởng nhiều nhất là chuối, quần áo, đồ điện tử, xe hơi và dược phẩm.
Mặc dù cuộc đình công này được dự đoán sẽ không dẫn tới tình trạng thiếu giấy vệ sinh, nhưng theo ghi nhận của tờ The Hill, nhiều người tiêu dùng Mỹ đang hoảng loạn tìm mua sản phẩm này.
Ngân hàng JPMorgan ước tính, việc đóng cửa các cảng ở Bờ Đông và Bờ Vịnh có thể khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 5 tỷ USD mỗi ngày.
Chủ tịch ILA Harold Daggett cảnh báo, những công nhân đình công có thể "làm tê liệt" nền kinh tế Mỹ nếu yêu cầu của họ về việc tăng 77% lương trong 6 năm và dừng các dự án tự động hóa cảng không được đáp ứng.
"Ô tô sẽ không tới, thực phẩm sẽ không tới, quần áo sẽ không tới" – Ông Daggett nói trong bài phát biểu được phát trên Fox News - "Các vị có biết có bao nhiêu người phụ thuộc vào công việc của chúng tôi không? Một nửa thế giới".
Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các yêu cầu của công nhân và bác bỏ các lời kêu gọi sử dụng quyền hạn có trong Đạo luật Taft-Hartley năm 1947 để ra lệnh cho họ trở lại làm việc.
Theo Al Jazeera, tất cả những điều này đang báo hiệu "mối nguy tiềm tàng" đối với Phó Tổng thống Kamala Harris - ứng cử viên Đảng dân chủ - ngay tại thời điểm bà đang giành được lòng tin của cử tri về các vấn đề kinh tế.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Harris đang thu hẹp khoảng cách với cựu Tổng thống Donald Trump trong việc ai là người phù hợp nhất để lèo lái con thuyền kinh tế Mỹ, mặc dù khía cạnh này vốn được xem là một trong những điểm yếu lớn nhất của Đảng Dân Chủ.
Một lý do dẫn tới sự thay đổi này có thể là do người tiêu dùng Mỹ - những người quy kết phần lớn nguyên nhân của việc giá cả tăng cao cho ông Biden - đang bắt đầu cảm thấy ít bị siết chặt hơn về ví tiền của họ.
Sau khi đạt đỉnh ở mức 9,1% vào giữa năm 2022, lạm phát đã giảm xuống chỉ còn 2,2% vào tháng 8, mức thấp nhất trong hơn 3 năm rưỡi qua.
Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm - một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy mối lo ngại về giá cả mất kiểm soát cuối cùng đã qua.
Tuy nhiên, việc giá cả tăng đột biến ngay khi cử tri đi bỏ phiếu sẽ như một "cú đòn giáng" vào quan điểm cho rằng nền kinh tế Mỹ đã chuyển hướng tích cực dưới sự giám sát của Đảng Dân chủ.
Phần lớn rủi ro đối với bà Harris nằm ở việc cử tri coi bà là một phần của chính quyền đương nhiệm hay ứng cử viên cho sự thay đổi mà bà đã tìm cách thể hiện trước công chúng.
Đã có một số bằng chứng cho thấy cử tri coi bà là đại diện cho sự tiếp nối của chính quyền hiện tại. Trong một cuộc thăm dò của New York Times/Siena được công bố vào đầu tháng này, 55% số người được hỏi nói rằng bà Harris đại diện cho "nhiều thứ tương tự [của chính quyền Biden]".
Do đó, bất kỳ nỗ lực nào của bà Harris để tách bạch mình với ông Biden trong cuộc đình công quy lớn này đều có rủi ro riêng, trước mắt sẽ là gây mất lòng các thành viên công đoàn vốn thường bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ.
Đây là những cử tri mà bà Harris đặc biệt ngần ngại sau khi International Brotherhood of Teamsters – một trong những công đoàn lớn nhất nước Mỹ - đã phá vỡ truyền thống ủng hộ Đảng dân chủ vào tháng trước.
Theo Al Jazeera, mặc dù không thể biết cuộc đình công sẽ ảnh hưởng tới kết quả bầu cử như thế nào, nhưng đội vận động tranh cử của bà Harris chắc chắn sẽ không vui vẻ gì khi phải xử lý một "bất ngờ tháng 10" như vậy, khi chỉ còn 5 tuần nữa là đến Ngày bầu cử.
Minh Nhật