4 tuyến metro đầu tiên ở Việt Nam được hình thành như thế nào?
Vận chuyển đường sắt có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của cả nước, mang lại lợi ích kinh tế cho khu vực có tuyến đường sắt đi qua cũng như nền kinh tế cả nước.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ sẽ đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt; trong đó đến năm 2030, xây dựng mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 4.802km; đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.354km.
Đặc biệt với đường sắt đô thị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Hà Nội và TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai vì đây là hình thức vận tải tiên tiến, ưu việt, đã và đang được chú trọng đầu tư tại các đô thị lớn trên thế giới.
Vì vậy, để thực hiện hóa giấc mơ phát triển mạng lưới phương tiện đường sắt công cộng chủ lực trong tương lai, tại Hà Nội và TP.HCM, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu khởi công xây dựng tuyến đầu tiên.
Trong 13 năm qua (từ 2010 đến nay), với 4 tuyến đường sắt đô thị đã khởi công, tới nay duy nhất tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác thương mại với chiều dài 13km, đạt 10,4% các tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Tại Hà Nội, tuyến 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008, khởi công năm 2011, đưa vào khai thác tháng 11/2021.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện.
Tuyến này đã có 8 lần thay đổi tiến độ hoàn thành và khai thác thương mại, tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng, sau đó “đội vốn” lên 18.002 tỷ đồng. Trải qua hàng loạt khó khăn trong quá trình xây dựng, cuối cùng tuyến Cát Linh - Hà Đông lại về đích sớm nhất, đáp ứng sự mong mỏi của người dân Thủ đô.
Số liệu từ Bộ GTVT cho biết, tính đến hết tháng 8/2023 cho thấy, sau 22 tháng khai thác thương mại, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được gần 16 triệu lượt khách, bình quân khoảng 30.000 lượt khách/ngày. Trong đó, đa số khách sử dụng vé tháng (khoảng 60%), riêng giờ cao điểm tỷ lệ khách sử dụng vé tháng lên tới 80% (doanh thu từ vé tháng năm 2022 đạt hơn 66 tỷ đồng). Tổng doanh thu từ bán vé mang lại cho Hanoi Metro gần 120 tỷ đồng.
Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
Tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009, khởi công năm 2010. Đến nay, mới cơ bản hoàn thành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027.
Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 34.826 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007, khởi công năm 2012 phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2008, 2011, 2019, 2021 với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 17.387 tỷ đồng, sau được điều chỉnh tăng lên 43.757 tỷ đồng. Dự án sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại từ tháng 7 năm 2024.
Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010 với tổng vốn đầu tư là 26.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh năm 2013, 2019, cuối cùng khởi công tháng 6 năm 2023 với tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng.
Tuyến Bến Thành - Suối Tiên
Mạng lưới đường sắt đô thị dày đặc ở Việt Nam trong tương lai
Với đường sắt đô thị, Chính phủ đưa ra mục tiêu phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 50% tổng chiều dài đường sắt đô thị được quy hoạch tại hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời triển khai quy hoạch, tùy theo nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu huy động nguồn vốn đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị tại các đô thị lớn có quy mô dân số trên 1 triệu dân.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vận tải đường sắt.
Về đường sắt đô thị, báo cáo nêu quy hoạch tại Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km; nghiên cứu xây dựng các tuyến kết nối với đô thị vệ tinh; quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ hệ thống đường sắt đô thị.
Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km
Còn TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173km; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.
Tới năm nay, Hà Nội và TPHCM đã bố trí nguồn lực đầu tư đường sắt đô thị trên 71,46 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội bố trí hơn 39,56 nghìn tỷ đồng để triển khai 4 tuyến, gồm các tuyến: Ngọc Hồi - Yên Viên hơn 2,2 nghìn tỷ đồng; Nội Bài - Hoàng Quốc Việt hơn 1 nghìn tỷ đồng; Cát Linh - Hà Đông hơn 16,6 nghìn tỷ đồng; Nhổn - Ga Hà Nội gần 19,7 nghìn tỷ đồng.
TPHCM đã bố trí gần 31,9 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị và đầu tư 2 dự án, gồm các tuyến: Bến Thành - Suối Tiên hơn 27 nghìn tỷ đồng; Củ Chi - Thủ Thiêm hơn 4,7 nghìn tỷ đồng; và 133 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư.
Trong bối cảnh một số dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM sẽ được đưa vào khai thác sử dụng trong tương lai, Chính phủ còn chỉ đạo thành phố Hà Nội, TPHCM triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị.
Quyết tâm trong tương lai gần, Hà Nội và TP.HCM sẽ có mạng lưới đường sắt đô thị hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với các loại hình giao thông khác, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường.
Bình luận tiêu biểu (0)