Theo Sina, năm 2024, sau 37 năm lên sóng, Hồng Lâu Mộng lại một lần nữa nhận được sự chú ý của công chúng. Do phiên bản điện ảnh mới Hồng Lâu Mộng Chi Kim Ngọc Lương Duyên gây thất vọng, khán giả sau đó đã tìm lại bản cũ được phát sóng năm 1987 để thưởng thức lại.
Cũng nhờ đó, hàng loạt các chủ đề bàn luận về Hồng Lâu Mộng 1987 được mở ra, nhiều trend ăn theo bộ phim từ tạo hình đến cảnh khóc của Lâm Đại Ngọc, cảnh Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc gặp gỡ lần đầu cũng được tái hiện lại trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo Sina, Hồng Lâu Mộng là tác phẩm được phát sóng nhiều thứ ba trong lịch sử phim truyền hình Trung Quốc. Đầu tiên là phim điện ảnh Lượng Kiếm với hơn 5.000 lần, Tây Du Ký 1986 với hơn 3.000 lần và Hồng Lâu Mộng với hơn 1.500 lần sau 37 năm. Ngay từ khi phát sóng những tập đầu tiên, Hồng Lâu Mộng đã được tán dương là "một chương tuyệt vời trong lịch sử truyền hình Trung Quốc", "bản kinh điển không thể vượt qua". Sau này, khi phát sóng lại, Hồng Lâu Mộng 1987 nhiều lần đạt rating top 1 cả nước nhờ sức hấp dẫn từ cảnh quay diễn xuất, ý nghĩa sâu xa của bộ phim.
Đặc biệt, hiếm có danh tác nào được xây dựng hẳn một bộ ngôn để nghiên cứu như Hồng Lâu Mộng. Do Hồng Lâu Mộng có nhiều văn bản khác nhau, quan điểm của các nhà nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng cũng khác nhau, nên Hồng Học được chia làm nhiều phái như phái Phê bình văn học, phái Sách ẩn, phái Khảo chứng, phái Tự truyện... Hồng Lâu Mộng cũng phát hành hai tập san riêng chuyên đăng tải những nghiên cứu về phim, truyện và có không ít những chuyên gia cả đời nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng.
Theo đạo diễn Vương Phù Lâm, để có được thành công và lưu lại dấu ấn vĩnh viễn với thời gian như vậy, đoàn phim Hồng Lâu Mộng đã rất vất vả và khắt khe trong mọi khâu chuẩn bị sản xuất. Thực tế, từ năm 1981, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã lên kế hoạch để sản xuất bộ phim với đội ngũ ban cố vấn hùng hậu. Bộ phim đã trải qua khoảng thời gian quay trong hơn 2 năm, đi qua 41 vùng, 10 tỉnh và được thực hiện ở 219 danh lam thắng cảnh với gần 10.000 cảnh quay mới hoàn thành.
Quá trình tuyển chọn các nhân vật chính cũng diễn ra rất khắt khe. Để nhận được vai Lâm Đại Ngọc, Trần Hiểu Húc còn viết hẳn một áng thơ ngợi ca "em Lâm" mang tên Tôi Là Một Bông Liễu. Sau khi thành công được chọn, Trần Hiểu Húc được cử đi học về dáng điệu cử chỉ của nhân vật trong suốt 3 tháng.
Thành quả là sau này, Trần Hiểu Húc đã tạo nên một Lâm Đại Ngọc kinh điển. Dáng điệu thướt tha, cử chỉ tao nhã của nàng đến nay vẫn là chuẩn mực cho vai diễn tiểu thư cổ đại trong các phim cổ trang. Lâm Đại Ngọc của Hồng Lâu Mộng 1987 được ví với tiên nữ hạ phàm, cốt cách cao quý như một tiên nhân không vướng bụi trần.
"Sau Trần Hiểu Húc không còn Lâm Đại Ngọc nào khác", là đánh giá cao nhất của công chúng dành cho một diễn viên. Lời nhận xét của khán giả cũng chứng minh không ai ai thể hiện vai này phù hợp hơn Trần Hiểu Húc.
Chiêu Dương