Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF ước tính lạm phát toàn cầu giảm từ mức trung bình 5,8% vào năm 2024 xuống còn 3,5% vào cuối năm 2025. Tỷ lệ lạm phát từng đạt đỉnh 9,4% vào quý 3 năm 2022. Mức dự đoán cho cuối năm 2025 sẽ thấp hơn một chút so với lạm phát bình quân trong hai thập kỷ trước đại dịch.
Báo cáo của IMF tuyên bố thế giới gần như đã chiến thắng lạm phát. Nhưng nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF lưu ý về những thách thức mới xuất phát từ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
IMF giữ nguyên ước tính tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,2% cho năm 2024 và 2025. Họ coi đây là mức ổn định nhưng “không mấy ấn tượng”. Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh và các nền kinh tế mới nổi châu Á cũng có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ, dựa vào các khoản đầu tư liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhưng IMF đã hạ triển vọng đối với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là các quốc gia hàng đầu châu Âu cũng như một số thị trường mới nổi. Lý do là vì các cuộc xung đột leo thang và rủi ro đối với giá hàng hoá.
Quỹ cho rằng chính sách tiền tệ là chìa khóa để hạ thấp lạm phát. Trong bối cảnh đó, điều kiện thị trường lao động bình thường hóa và các cú sốc cung ứng được giải quyết giúp tránh suy thoái toàn cầu.
Báo cáo cũng lưu ý rằng các ngân hàng trung ương cần hạ thấp lạm phát hoàn toàn. Vì lạm phát dịch vụ vẫn cao gần gấp đôi mức trước đại dịch.
Báo cáo của IMF cho biết biến động tài chính gia tăng là một mối đe dọa khác đối với tăng trưởng toàn cầu. Ví dụ như đợt bán tháo đột ngột vào đầu tháng 8 là một rủi ro làm lu mờ triển vọng kinh tế. Mặc dù thị trường đã ổn định kể từ đó, mối lo ngại này vẫn còn.
Những thách thức tiếp theo đối với thị trường tài chính toàn cầu có thể xuất hiện trong giai đoạn cuối của cuộc chiến chống lạm phát. Biến động thị trường là một rủi ro chính nếu lạm phát vẫn tiếp diễn.
Các rủi ro khác còn có mối lo ngại về địa chính trị, đáng chú ý là xung đột ở Trung Đông và khả năng giá hàng hoá tăng đột biến.
IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng 3,1% vào cuối thập kỷ này, mức thấp nhất trong nhiều năm. Những trở ngại về mặt cấu trúc như năng suất thấp và già hóa dân số cũng đang hạn chế triển vọng tăng trưởng.
Theo CNBC
Anh Dũng