Theo báo cáo số 2792 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa (LĐ-TB&XH), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, sở đã lập đoàn xác minh, kiểm tra từ ngày 15-16/6 theo đơn thư tố cáo về những sai phạm tại Trung tâm bảo trợ số 2 (có địa chỉ tại TP Sầm Sơn, Thanh Hóa).
Về nội dung tố cáo trung tâm sử dụng các nguồn tài trợ từ các hoạt động từ thiện chưa công khai, minh bạch.
Kết quả kiểm tra cho thấy: Tổng nguồn kinh phí từ thiện từ năm 2018 đến tháng 6/2023 là 1,5 tỷ đồng. Tổng số tiền chi các hoạt động là hơn 1 tỷ đồng. Số tiền còn lại đến ngày 15/6/2023 là 476,8 triệu đồng. Trung tâm đã xây dựng và ban hành quy chế tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn quỹ từ thiện.
Các nguồn tài trợ bằng tiền mặt từ các tổ chức cá nhân trao trực tiếp hoặc chuyển khoản qua tài khoản của trung tâm có sổ sách theo dõi, biên bản tiếp nhận kinh phí. Nguồn tài trợ bằng hiện vật được các tổ chức, cá nhân trao trực tiếp cho các đối tượng hoặc thông qua các khoa, phòng tiếp quản để phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, đều có biên bản tiếp nhận.
Tổ kiểm tra kết luận nội dung tố cáo sai phạm là không có cơ sở.
Đối với nội dung phản ánh: việc Giám đốc trung tâm Nguyễn Kiều Anh chỉ đạo thu 5 triệu đồng/người của 20 lao động hợp đồng khi được truy lĩnh tiền phụ cấp đặc thù độc hại.
Kết quả kiểm tra: Trung tâm đã chi trả phụ cấp đặc thù, độc hại theo quy định cho 22 lao động hợp đồng này bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân từng người với số tiền từ 1,8-20,2 triệu/người. Xác minh từ các lao động, không có việc chỉ đạo, thu và nộp số tiền 5 triệu đồng/người như phản ánh.
Đối với nội dung Giám đốc Nguyễn Kiều Anh thông báo cho mỗi cán bộ trung tâm được may 1 bộ vest để mặc đồng phục từ kinh phí của trung tâm nhưng khi may xong lại chỉ đạo thu 2,5 triệu đồng/người; qua kiểm tra, không có sự việc này.
Về nội dung phản ánh: các đối tượng tự nguyện vào trung tâm chăm sóc tại trung tâm có mức thu từ 4,5-5 triệu đồng nhưng phải ăn chung chế độ với các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội 1.420.000/tháng, đồ ăn không đảm bảo, mất vệ sinh.
Theo kiểm tra, trung tâm đã xây dựng chế độ ăn chung cho các đối tượng là 1.440.000/tháng, bình quân tiền ăn 48.000/ngày/người.
Hàng tuần trung tâm đều có thực đơn bữa ăn cụ thể mở ngoặc bữa ăn có thay đổi món cho phù hợp đóng ngoặc có hợp đồng mua bán với nhà cung cấp.
Đối với các loại thực phẩm chế biến bữa ăn cho đối tượng, rõ nguồn gốc xuất xứ và trong thời gian từ năm 2018 đến nay chưa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng. Kết quả kiểm tra đột xuất bữa ăn thực tế và khảo sát ý kiến của đối tượng đang nuôi dưỡng tại trung tâm cũng xác nhận bữa ăn hàng ngày phù hợp tươi ngon và thường xuyên đổi món. Như vậy nội dung tố cáo là không có cơ sở.
Đối với nội dung phản ánh việc chi trả chế độ cho đối tượng luân phiên tại cộng đồng không đúng mức quy định chỉ chi trả cho đối tượng 350. 000 đồng/đối tượng/tháng.
Kết quả kiểm tra của Sở cho thấy: đại diện một số gia đình có đối tượng luân phiên tại cộng đồng đều xác nhận đã nhận đủ số tiền 450.000 đồng/tháng từ tháng 6/2021 trở về trước và 720.000 đồng/tháng từ tháng 7/2021. Như vậy nội dung phản ánh trong đơn là không có cơ sở.
Nội dung đơn phản ánh về công tác quản lý chăm sóc đối tượng: để xảy ra 2 đối tượng chết trong ca trực.
Theo xác minh, 2 đối tượng này đều là được tiếp nhận và nuôi dưỡng tại trung tâm theo hình thức tự nguyện, có cam kết của gia đình chấp nhận rủi ro có thể xảy ra vì các đối tượng đều có tiền sử bệnh.
Bà Lê Thị Hoa (SN 1963, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân) có tiền sử bị loạn thần. Ngày 11/3/2022, cán bộ trực phát hiện bà Hoa ngã xuống đất, trung tâm tiến hành sơ cứu và đưa bà đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Tuy nhiên, do bệnh loạn thần tái phát bị ngã ảnh hưởng đến phần đầu, bà đã không qua khỏi, chết tại bệnh viện.
Còn trường hợp Nguyễn Duy Phương (SN 1999, xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá), được tiếp nhận vào trung tâm từ tháng 11/2016. Ngày 24/2/2023, cán bộ trực phát hiện đối tượng nằm trên giường người tím tái, co quắp quay xuống thành giường, chân tay duỗi thẳng và kịp thời báo cáo lãnh đạo trực chỉ đạo cán bộ y tế và bác sĩ trung tâm tiến hành cấp cứu nhưng đối tượng đã chết từ trước khi được phát hiện.
Đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt F20.0, thường xuyên lên cơn động kinh, đã đi khám và được điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa, có sổ theo dõi. Đối tượng được kết luận đã chết do nhồi máu cơ tim.
Trung tâm đã thông báo với gia đình các đối tượng để phối hợp lo hậu sự, bàn giao tro cốt cho gia đình đối tượng an táng tại quê, gia đình có giấy xác nhận không trở lại, kiến nghị gì.
Qua sự việc này Sở LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu trung tâm và cán bộ trong 2 ca trực có đối tượng chết để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại trung tâm.
Ngoài ra đối với các nội dung phản ánh khác như: việc bổ nhiệm Giám đốc trung tâm đối với ông Nguyễn Kiều Anh và việc bổ nhiệm bà Lê Thị Hòa, Trưởng khoa Dinh dưỡng; theo kết quả kiểm tra của tổ xác minh, quy trình bổ nhiệm 2 người trên đều đúng quy định. Các nội dung tố cáo đều không có cơ sở.
Lương Diễn