Sau mổ, người bệnh Q. có triệu chứng lâm sàng ổn định. Tuy nhiên, một tháng sau đó, người bệnh xuất hiện triệu chứng đau dữ dội, buốt từ mông lan xuống chân, đi lại khó khăn hơn.
Tại khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh, người bệnh được thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng (Xquang, MRI). Sau khi hội chẩn cùng các chuyên gia Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bác sĩ chẩn đoán: Thoát vị đĩa đệm L5_S1 tái phát và chỉ định phẫu thuật.
Đối với phẫu thuật lần 2, Bác sĩ chọn phương pháp an toàn hơn, người bệnh được cắt diện khớp bên đau, sau đó lấy khối thoát vị, ghép xương liên thân đốt và nẹp vít cố định. Đây là biện pháp lấy triệt để khối thoát vị, bảo tồn tối đa cấu trúc giải phẫu, giúp người bệnh không bị tái phát thoát vị trở lại và đảm bảo cho người bệnh giải quyết triệt để tình trạng bệnh lý. Do đó, người bệnh hoàn toàn yên tâm khi vận động vì đã có hệ thống làm vững.
Ngày thứ 2 sau mổ, người bệnh có thể ngồi dậy, đi lại sớm và cải thiện được tình trạng buốt chân nhiều. Tuy nhiên, sẹo xơ dính cũ có thể gây tê bì chân sau mổ thêm một thời gian nữa.
Qua trường hợp này, Bác sĩ Võ Văn Thanh – Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khuyến cáo: Đối với những người bệnh có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, đĩa đệm yếu, trên nền thoái hóa đĩa đệm mức độ IV, V thì việc bảo tồn sau mổ rất quan trọng.
Vì vậy, người bệnh nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của Kỹ thuật viên nhằm đảm bảo an toàn sau cuộc mổ. Những chuyển động không đúng cách phải hạn chế, không nên vận động sớm. Đặc biệt, người bệnh nên liên lạc thường xuyên với phẫu thuật viên để có những sự chỉ dẫn phù hợp riêng với cơ địa của mình. Những phẫu thuật viên có kinh nghiệm sẽ tư vấn cụ thể riêng cho từng trường hợp.
Kim Chung