Một nhà hàng tại Hồ Nam (Trung Quốc) bị cảnh cáo vì khách hàng gọi quá nhiều món nhưng không ăn hết, gây lãng phí thực phẩm. Sự việc này dấy lên tranh luận về trách nhiệm của nhà hàng trong việc ngăn chặn lãng phí thức ăn.
Theo phóng nguồn tin từ Cục Quản lý Thị trường tại địa phương, để tiếp tục đẩy mạnh hành động ngăn chặn lãng phí thực phẩm, tích cực xây dựng bầu không khí “tiết kiệm, chống lãng phí”, lực lượng chức năng đã tăng cường giám sát và thực thi pháp luật về ngăn chặn lãng phí thực phẩm, đồng thời công bố các trường hợp điển hình về ngăn chặn lãng phí thực phẩm trong nửa cuối năm 2024 (theo báo cáo của Xiaoxiang Morning News ngày 15/11).
Khách không ăn hết, nhà hàng chịu phạt
Trong số các trường hợp được công bố, có một trường hợp đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Thông báo cho biết, vào ngày 30/10, nhân viên thực thi pháp luật thành phố Ninh Hương (Hồ Nam) đã tiến hành kiểm tra giám sát định kỳ một nhà hàng. Họ phát hiện cơ sở này khi phục vụ đã không chủ động nhắc nhở thực khác tiết kiệm thực phẩm, dẫn đến việc một bàn ăn (đã dùng bữa xong) gọi tổng cộng 11 món, chỉ ăn hết 2 món, 9 món còn lại đều thừa phần lớn, gây lãng phí nghiêm trọng. Nhà hàng bị yêu cầu sửa chữa hành vi vi phạm và bị cảnh cáo.
Một số ý kiến cho rằng việc khách hàng không ăn hết thức ăn không liên quan đến nhà hàng, việc xử phạt như vậy là không hợp lý. Một số khác lại lập luận rằng thực khách muốn gọi bao nhiêu món là quyền của họ, nhà hàng có thể làm gì được?
Trên thực tế, luật pháp Trung Quốc đã quy định rất rõ ràng về vấn đề này. Các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống có nghĩa vụ tiết kiệm lương thực theo quy định của pháp luật và cũng có không gian để thực hiện. Đầu tiên, họ nên dán các thông báo nhắc nhở tiết kiệm thực phẩm ở những vị trí dễ thấy trong nhà hàng. Đồng thời, nếu khách hàng gọi quá nhiều món, có khả năng gây lãng phí, nhà hàng nên kịp thời nhắc nhở. Hơn nữa, nhà hàng không được vì lợi ích của mình mà khuyến khích khách hàng gọi nhiều món, dẫn đến lãng phí.
Ngoài ra, nhà hàng có thể nhắc nhở khách hàng đóng gói thức ăn thừa mang về. Một số nhà hàng buffet còn tính phí bổ sung nếu khách hàng lãng phí quá nhiều thức ăn, đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn lãng phí.
Nếu nhà hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình mà khách hàng vẫn không nghe lời khuyên, nhất quyết gọi nhiều món dẫn đến lãng phí và khiến nhà hàng bị phạt, họ có thể yêu cầu xem xét lại quyết định xử phạt hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình. Cũng cần nhấn mạnh rằng, cơ quan thực thi pháp luật không phạt tiền nhà hàng mà chỉ yêu cầu nhà hàng sửa chữa hành vi vi phạm và đưa ra cảnh cáo.
Trách nhiệm là của tất cả mọi người
Vậy có phải hình phạt này “vừa phạt vừa không phạt”, chỉ làm cho có lệ? Thực tế không phải vậy. Điều này cho thấy nhà hàng đã bị đưa vào danh sách theo dõi và sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra lại. Nếu phát hiện nhà hàng tái phạm, nhà hàng chắc chắn sẽ bị phạt tiền.
Một trường hợp khác cho thấy, một quán ăn cũng nằm trong phạm vi thành phố Ninh Hương, đã có hành vi khuyến khích, lôi kéo khách hàng gọi quá nhiều món. Sau khi bị cảnh cáo, trong lần kiểm tra tiếp theo, quán ăn vẫn tiếp tục vi phạm nên đã bị phạt 1.000 NDT (tương đương 3,5 triệu đồng).
Đối với các nhà hàng, để tránh bị phạt, cách đơn giản là xây dựng các biện pháp cụ thể để ngăn chặn lãng phí thực phẩm và thiết lập hệ thống quản lý hàng ngày. Như vậy, họ vừa có thể tối ưu chi phí khi kinh doanh, đồng thời chấp hành các quy định của pháp luật.
Những năm qua, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát lãng phí trong bối cảnh thực phẩm nước này đang bị phí phạm nghiêm trọng. Một báo cáo năm 2022 do Viện Nghiên cứu địa lý và tài nguyên TQ cùng Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố cho thấy có hơn 35 triệu tấn lương thực (tương đương khoảng 6% tổng sản lượng lương thực của cả nước) bị thất thoát và lãng phí ở Trung Quốc hằng năm. Cuối tháng 4/2021, quốc gia này đã thông qua Luật Chống lãng phí thực phẩm gồm 32 điều nhằm “ngăn chặn lãng phí lương thực, bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững”.
Minh Anh (Tổng hợp)