Theo 163, ngày 15/4/1980, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, tên Hoàng Thục Trân, ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, đã mang 1,8 kg vàng đến ngân hàng địa phương để bán lấy tiền. Vào thời điểm đó, việc người dân sở hữu một số lượng vàng lớn như vậy là không nhiều nên nhân viên ngân hàng đặc biệt chú ý đến người phụ nữ này.
Khi xem xét số vàng mà người này mang đến, nhân viên ngân hàng nhận thấy chúng có những vết cắt và tinh khiết hơn nhiều so với vàng thương mại vẫn đang lưu thông trên thị trường. Hơn nữa, số vàng này còn giống với vàng được đúc từ Xưởng đúc tiền Thẩm Dương 615 vào 19 năm trước. Sau khi xem xét kỹ, nhân viên cho biết bà Hoàng có thể đổi được 23.000 NDT tiền mặt. Nhận được tiền, Hoàng Thục Trân chỉ lấy một phần nhỏ mang về. Phần tiền còn lại, bà gửi ở ngân hàng cho yên tâm.
Sau khi hoàn thành thủ tục gửi tiền, vì là khách VIP nên Hoàng Thục Trân được nhân viên đề xuất dùng xe của ngân hàng đưa về. Tuy nhiên, trước sự nhiệt tình của phía ngân hàng, người phụ nữ này lại một mức từ chối. Hơn nữa, thái độ lo lắng và bất an của người phụ nữ này cũng khiến nhân viên nhân hàng rất nghi ngờ. Sau đó, họ cố gắng kéo thời gian để giữ người phụ nữ này ở lại và báo cáo sự việc với cảnh sát địa phương.
Nhận được tin, cảnh sát Thẩm Dương đã nhanh chóng có mặt tại ngân hàng và tiến hành thẩm tra người phụ nữ này. Ban đầu, Hoàng Thục Trân bịa ra một danh tính khác. Bà nói rằng mình là người sống ở ngoại ô Thẩm Dương. Tuy nhiên sau khi cảnh sát cử người đi điều tra và phát hiện danh tính này không tồn tại, Hoàng Thục Trân đã phải khai rõ danh tính và địa chỉ nhà của mình.
Sau khi kiểm tra, cảnh sát nhận ra địa chỉ của người phụ nữ này cũng là nhà của Quan Thanh Xương, Phó phòng kế hoạch sản xuất của Xưởng đúc tiền Thẩm Dương 615. Sau khi xâu chuỗi những manh mối rời rạc, cảnh sát nghi ngờ Hoàng Thục Trân có thể liên quan tới vụ án mất hơn 800 lượng vàng của Xưởng đúc tiền Thẩm Dương 615 vào 19 năm trước nên đã giải người phụ nữ này về đồn để điều tra sâu hơn.
Tại đồn cảnh sát, Hoàng Thục Trân khai nhận số vàng mà bà mang đi đổi chỉ là một phần nhỏ. Trên thực tế, bà còn giữ khoảng 800 lượng vàng nguyên chất ở nhà. Sau khi có đầy đủ thông tin, cảnh sát đã cử lực lượng đến nhà Hoàng Thục Trân để tiến hành khám xét.
Sau 4 giờ tìm kiếm, họ phát hiện hai hộp gỗ hình chữ nhật bên dưới 1 chiếc vali, bên trong chứa rất nhiều thỏi vàng. Cộng với số vàng mà người phụ nữ này mang đến ngân hàng, tất cả vừa đúng 807 lượng vàng - số vàng mà Nhà máy 615 đã bị mất 19 năm trước. Chúng có độ mịn trên 99,9% và có giá trị hơn 141.000 NDT vào thời điểm đó.
4h chiều cùng ngày, Quan Thanh Xương, chồng của Hoàng Thục Trân, đang họp ở xưởng thì bị cảnh sát đến và giải về đồn. Lý giải về số vàng mà người vợ mang đến ngân hàng đổi tiền, người đàn ông này cho biết đó là số vàng mà cha ông để lại. Tuy nhiên khi cảnh sát cho Quan Thanh Xương xem toàn bộ số vàng đã bị thu giữ, người đàn ông này đã cúi đầu nhận tội.
Quan Thanh Xương khai rằng vào những năm 1961, Xưởng đúc tiền Thẩm Dương 615 là một trong những nơi được nhà nước Trung Quốc giao nhiệm vụ đúc tiền xu. Ngoài ra, xưởng này còn chế biến và nấu chảy một lượng lớn vàng do tư nhân thu thập thành vàng miếng. Vào thời điểm đó, Hoàng Thục Trân và chồng là Quan Khánh Xương đều là công nhân làm việc ở đây.
Hàng ngày tiếp xúc với lượng hiện kim lớn, 2 vợ chồng này không kiềm chế được lòng tham nên đã lên kế hoạch lấy trộm vàng trong xưởng. Quả nhiên theo đúng kế hoạch, phi vụ trộm vàng của 2 vợ chồng này may mắn trót lọt. Để che mắt người trong xưởng và cảnh sát, họ còn khôn ngoan tạo ra hiện trường giả và có chứng cứ ngoại phạm cho riêng mình. Vụ án lớn này đã gây chấn động toàn thành phố Thẩm Dương nhưng sau một thời gian dài điều tra, cảnh sát vẫn chưa tìm được thủ phạm.
Về phần Quan Thanh Xương, sau khi vụ việc xảy ra một thời gian dài, người đàn ông này được sắp xếp sang bộ phận khác để làm việc và dần thắng tiến, trở thành một người có vị trí cao tại Xưởng đúc tiền Thẩm Dương 615.
Năm 1980, giá vàng tăng vọt, nhà nước Trung Quốc cho phép người dân mua vàng, trao đổi vàng mà không yêu cầu giấy tờ tùy thân. Điều này đã thúc giục vợ chồng Hoàng Thục Trân quyết định đi đổi vàng lấy tiền. Cũng nhờ đó mà tội ác của 2 người này đã bị phát hiện.
Với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, Quan Khánh Xương bị kết án tử hình, còn người vợ Hoàng Thục Trân bị kết án tù chung thân. Sau khi kháng cáo, Quan Khánh Xương cũng được giảm án thành tù chung thân. Sự việc này dù đã xảy ra khá lâu nhưng gần đây được chia sẻ lại và thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc.
Ánh Lê (Theo 163.com)