Các đảng chính thống đang mất dần sự tín nhiệm của cử tri Đức, trong khi các đảng cực hữu và cực tả đang nổi lên. Sự bất ổn trong liên minh ba đảng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thể là dấu hiệu của những xu hướng rộng lớn hơn trong nền chính trị Đức và châu Âu.
Sự sụp đổ của chính phủ Scholz xảy ra vào thời điểm giới lãnh đạo châu Âu đang gặp khủng hoảng, trong đó chính phủ Pháp sụp đổ ngày 4/12/2024 sau khi Thủ tướng Michel Barnier thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Điều này sẽ làm sâu sắc thêm bất ổn ở châu Âu, đặc biệt khi lục địa này phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế và an ninh, bao gồm cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và cục diện thế giới đang có nhiều thay đổi.
Chính phủ Đức sụp đổ, Thủ tướng Olaf Scholz mất tín nhiệm
Chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức Scholz sụp đổ sau khi ông sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, người lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Ngay sau khi ông Lindner, lãnh đạo của một trong ba đảng liên minh bị sa thải, hai trong số ba đồng nghiệp thuộc Đảng FDP trong nội các của ông Scholz cũng rút khỏi chính phủ.
Ngày 16/12/2024, Quốc hội Đức (Bundestag) đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Olaf Scholz. Ông đã thất bại với 394 phiếu bất tín nhiệm, 207 phiếu tín nhiệm và 116 phiếu trắng.
Kết quả này đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của ông Scholz, người đứng đầu một chính phủ đang ngày càng mất lòng dân kể từ khi thành lập năm 2021. Điều này mở đường cho cuộc bầu cử lập pháp trước hạn bảy tháng, dự kiến được tổ chức ngày 23/2/2025 tới, nhằm đưa nước Đức ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị do liên minh cầm quyền của ông Scholz sụp đổ.
Ông Scholz đứng đầu chính phủ liên minh gồm 3 đảng: Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) do ông lãnh đạo, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Christian Lindner và Đảng Xanh. Liên minh sụp đổ sau nhiều tháng bất đồng không thể vượt qua về chính sách kinh tế và ngân sách, cách thức vực dậy nền kinh tế đang suy thoái và định hướng kinh tế của Đức, trong khi uy tín của chính phủ suy giảm và sự trỗi dậy của các lực lượng cực đoan từ cánh hữu và cánh tả.
Nước Đức là nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) vốn từ lâu là hình mẫu về ổn định chính trị, đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng do các mâu thuẫn gay gắt trong liên minh cầm quyền và những vấn đề phức tạp của hiến pháp dưới thời chính phủ của ông Olaf Scholz.
Từ nay đến bầu cử mới, ông Scholz sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số lâm thời vẫn có thể tiếp tục hoạt động đến bầu cử và thành lập chính phủ mới.
Nguyên nhân chính phủ Đức sụp đổ
Bloomberg đánh giá nền kinh tế Đức đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, suy thoái đang tiến đến điểm không thể vực dậy được từ 5 năm nay. Lạm phát trong nước tăng nhanh, lên tới 2,2% một năm và sẽ còn tiếp tuc tăng nữa.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức năm nay xuống chỉ còn 0,2%.
Theo Bloomberg, GDP của Đức năm nay giảm hơn 5% so so với kế hoạch. Phần lớn thâm hụt khó có thể bù đắp được do mất khả năng tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ của Nga và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc với các hãng ô tô Đức Volkswagen, Mercedes-Benz và Bosch.
Bloombergchỉ ra, "sự suy giảm khả năng cạnh tranh của quốc gia có nghĩa là mỗi hộ gia đình Đức sẽ mất khoảng 2,5 nghìn euro mỗi năm”.
Khủng hoảng kinh tế ở Đức làm gia tăng tình trạng bất mãn của người dân và chứng tỏ rằng chính phủ hiện tại không thể đưa ra các giải pháp triệt để cho các vấn đề kinh tế mà người dân phải gánh chịu.
Sự sụp đổ của liên minh ba bên xảy ra sau nhiều tháng bất đồng về chính sách ngân sách, cách thức vực dậy nền kinh tế đang suy thoái của đất nước và định hướng kinh tế của Đức, uy tín của chính phủ suy giảm và sự trỗi dậy của các lực lượng cực đoan cánh hữu và cánh tả.
Ông Christian Lindner đưa đề nghị cải cách kinh tế toàn diện, nhưng hai đảng còn lại trong liên minh phản đối. Đảng FDP của ông Lindner đề xuất cắt giảm chi tiêu công và thuế cũng như giảm các biện pháp quản lý như một biện pháp để vượt qua khủng hoảng.
Trong khi đó, các nguồn tin chính phủ cho biết Thủ tướng Scholz muốn tăng gói hỗ trợ cho Ukraine thêm 3 tỷ euro (3,22 tỷ USD), lên mức 15 tỷ euro, và không chịu thừa nhận Đức cần một mô hình kinh tế mới.
Ngoài ra, sự chia rẽ chính trị trong nước khiến việc tiến hành cải cách nghiêm túc khó thực hiện. Mặc dù các nhà kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Đức muốn cải tổ nền kinh tế cứng nhắc, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh quá trình số hóa, chính phủ vẫn chủ trương chính sách “duy trì hiện trạng thay vì hướng tới tương lai”.
Cuộc chiến ở Ukraine đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách của Đức. Đức là nước hỗ trợ Kiev lớn nhất trong EU và đứng thứ hai sau Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức ngày 20/1/2025, nhiều lần tuyên bố sẽ cắt giảm tài trợ của Washington cho Ukraine, nên gánh nặng hỗ trợ tài chính cho Kiev rất có thể sẽ đè nặng lên vai Berlin.
Chính sách này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ nhiều bộ phận người dân Đức, coi viện trợ cho Ukraine đã gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Đức. Điều này củng cố vị thế của các lực lượng chính trị có quan điểm bảo thủ hơn đối với các hoạt động quân sự của Đức ở nước ngoài.
Liên minh ba đảng của ông Scholz được thành lập sau cuộc bầu cử năm 2021 khi Đảng SPD của ông giành được số ghế lớn nhất nhưng không đủ để giành được đa số.
Liên minh ba bên này có ảnh hưởng lớn nhất trong nền chính trị Đức, nhưng nó phải đối mặt với những thách thức cố hữu do hệ tư tưởng khác nhau, đặc biệt là giữa quan điểm kinh tế bảo thủ của Đảng FDP và quan điểm tiến bộ hơn của Đảng Xanh.
Ban đầu, liên minh có vẻ ổn định, nhưng rạn nứt bắt đầu xuất hiện khi chính phủ phải đối mặt với những xung đột nội bộ và thách thức từ bên ngoài. Một trong những cú sốc lớn nhất xảy ra khi Tòa án Hiến pháp Đức ra phán quyết rằng chính phủ không thể chuyển 60 tỷ euro dành cho cứu trợ đại dịch Covid-19 sang các lĩnh vực khác.
Xung đột nội bộ trong liên minh ngày càng trở nên gay gắt. Một loạt cuộc bầu cử địa phương vào mùa hè vừa qua cho thấy sự ủng hộ dành cho các đảng cầm quyền đã giảm sút mạnh và giọt nước tràn ly cuối cùng đã xảy ra vào tháng 11/2024 khi Thủ tướng Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo Đảng FDP Christian Lindner.
Ảnh hưởng đối với châu Âu
Tình trạng bất ổn chính trị ở Đức đang tác động mạnh mẽ đến những thay đổi ở châu Âu, nơi các cấu trúc chính trị truyền thống đang bị thử thách bởi chủ nghĩa dân túy, khủng hoảng kinh tế và áp lực từ bên ngoài. Khi Đức chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử sớm, kết quả sẽ không chỉ định hình tương lai của nước Đức mà sẽ ảnh hưởng tới nền chính trị và kinh tế của châu Âu nói chung.
Chính phủ Đức sụp đổ diễn ra song song với khủng hoảng chính trị ở Pháp. Ngày 13/12/2024, Tổng thống Pháp Macron đã bổ nhiệm thủ tướng thứ tư trong vòng một năm và ông đang phải đối mặt với áp lực từ chức ngày càng tăng để hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc trong chính phủ về ngân sách năm 2025.
Đức và Pháp là hai quốc gia chiếm gần 1/3 dân số, một nửa GDP và khoảng một phần ba ngân sách của EU, được coi là đầu tàu của châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, chính phủ sụp đổ sau các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Sự sụp đổ liên tiếp của chính phủ Đức và Pháp trong cùng thời gian đang dẫn đến một sự bất ổn lớn trong nền chính trị châu Âu. Với Đức, nền kinh tế lớn nhất EU hiện đang nằm dưới một chính phủ lâm thời, còn Pháp đang phải vật lộn với sự bất ổn chính trị của chính mình, EU đang phải đối mặt với tình trạng trống lãnh đạo, đặc biệt vào thời điểm châu Âu đang đứng trước một loạt thách thức to lớn về kinh tế và an ninh.
Sự vắng mặt của chính phủ ở Đức cho đến khoảng giữa năm 2025 và khủng hoảng chính trị ở Pháp sẽ đẩy nền chính trị châu Âu vào tình trạng hết sức khó khăn, Ủy ban Châu Âu khó có thể đưa ra các quyết định quan trọng khi thiếu tiếng nói của hai quốc gia này.
Tình hình chính trị bất ổn không chỉ Pháp và Đức. Ở Romania, có thời kỳ cũng không có chính phủ. Sự bất ổn chính trị ở một số nước châu Âu xảy ra vào thời điểm khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị nhậm chức. Ông Trump dọa sẽ áp thuế đối với loạt hàng hóa nhập khẩu từ EU nếu EU không giảm mức thâm hụt lớn trong quan hệ thương mại với Washington bằng cách mua dầu và khí đốt với số lượng lớn.
Tương lai nền chính trị Đức
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức hiện nay cho thấy sự mong manh của các chính phủ liên minh trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị. Kết quả bầu cử sắp tới có thể sẽ định hình lại cục diện chính trị ở Đức trong nhiều năm tới. Tình trạng bất ổn chính trị này có thể sẽ kéo dài tới khi một chính phủ mới được thành lập có thể vào giữa mùa hè năm 2025, khi các đảng phái thống nhất được một liên minh.
Khi bầu cử đang đến gần, các đối thủ chính của Thủ tướng Olaf Scholz đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng. Friedrich Merz, lãnh đạo của Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) bảo thủ mà bà Angela Merkel từng đứng đầu (2005–2021), lãnh đạo phe đối lập tại Quốc hội hiện là ứng cử viên sáng giá nhất giành được nhiều phiếu nhất tại Quốc hội và có thể cả chức thủ tướng.
Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy trong cuộc bầu cử sắp tới, đảng CDU có thể giành được 30% số phiếu, đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (Alternative für Deutschland - AfD) cực hữu giành được 17 đến 19,5%, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz dao động trong khoảng từ 15 đến 17%, và Đảng Xanh dao động 11,5-14%.
Chiến dịch tranh cử sắp tới sẽ bị chi phối bởi các vấn đề trọng tâm đối với tương lai của nước Đức và sự ổn định của châu Âu. Đó là phục hồi kinh tế, chia rẽ xã hội, nhập cư và quốc phòng. Trong cuộc thăm dò ý kiến gần đây, Đảng AfD chỉ đứng thứ hai sau Đảng CDU.
Nhiều người kỳ vọng AfD sẽ tìm thấy cơ hội vàng để củng cố vị thế của mình trên trường chính trị. Đảng AfD đã thu hút được một bộ phận lớn cử tri đã mất niềm tin vào các đảng truyền thống, điều này giúp đảng này giành được vị thế là một trong những lực lượng đối lập mạnh trong Quốc hội. Mặc dù vậy, đảng vẫn bị một số đảng khác từ chối hợp tác, AfD cũng khó thành lập bất kỳ chính phủ liên minh nào.
Những nhân vật đáng chú ý khác gồm ông Robert Habeck của Đảng Xanh, người từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế. Lãnh đạo Đảng FDP Christian Lindner cũng là một ứng viên chủ chốt mặc dù ông bất hòa với ông Scholz.
Đức là trung tâm chính trị và kinh tế của EU đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có trong bối cảnh liên minh cầm quyền sụp đổ.
Liên minh này, vốn đã thống trị đời sống chính trị Đức trong những năm gần đây, không còn có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả cho các cuộc khủng hoảng tích tụ, dẫn đến vai trò của họ bị suy giảm đáng kể. Đây là lúc nước Đức cần một chính phủ thống nhất và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai (Nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông)