Theo đó, sau khi được thông qua trong mùa hè, đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/11, và những gã khổng lồ công nghệ hoạt động ở châu Âu sẽ phải thay đổi cách kinh doanh nếu không muốn phải lãnh hậu quả nặng nề.
Về cơ bản, DMA của EU sẽ áp đặt các quy tắc mới cho Internet để làm cho các ứng dụng và dịch vụ cởi mở và tương tác hơn. App Store dành cho iPhone và iPad sẽ là một trong nhiều phần của Internet có thể phải thích ứng với DMA này.
Amazon, Google, Meta và các công ty công nghệ lớn khác có thể phải điều chỉnh cách thức hoạt động của các sản phẩm kỹ thuật số của họ ở EU, và những thay đổi đó có thể ảnh hưởng đến cách các sản phẩm hoạt động trên toàn thế giới.
Khi các công ty như Apple phải tuân theo quy định của DMA tại EU, người dùng iPhone có thể tải xuống các ứng dụng không chỉ từ App Store mà từ các cửa hàng ứng dụng khác hoặc từ internet. Điều tương tự cũng buộc WhatsApp của Meta phải hỗ trợ các ứng dụng cạnh tranh như Signal và Telegram. Hơn nữa, Amazon, Apple và Google sẽ không thể dành ưu tiên đặc biệt cho các ứng dụng và dịch vụ của riêng họ.
Tuy nhiên, những thay đổi sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. EU vẫn phải quyết định công ty nào là “người gác cổng” - thuật ngữ ám chỉ những công ty lớn phải tuân thủ theo các quy tắc nghiêm ngặt nhất. EU dự kiến sẽ có khoảng một chục công ty nằm trong nhóm này và không cần phải nêu tên. Họ sẽ đưa ra thông báo về các công ty có trong danh sách vào mùa Xuân, và những công ty này sẽ có 6 tháng để tuân thủ.
Điều này có nghĩa là sẽ cần một thời gian cho đến khi Apple hỗ trợ các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba trên iPhone và iPad.
DMA của EU không phải là thách thức duy nhất đối với App Store trên iPhone khi Apple đã phải đối mặt với nhiều phản đối từ các cơ quan quản lý và nhà phát triển trong những năm gần đây. Cuộc chiến pháp lý lớn với Epic Games là một ví dụ. Ngoài ra, Apple đã phải triển khai hỗ trợ cho các khoản thanh toán từ bên thứ ba trên App Store tại Hàn Quốc.
Thái An