Bridgette Tena (51 tuổi) là một trong số ít phụ nữ ở Hoa Kỳ theo đuổi công việc lợp mái. Ước tính tại quốc gia này, có chưa đến 10% phụ nữ làm việc trong ngành xây dựng. Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, thợ lợp mái là công việc có mức độ nguy hiểm cao thứ 2 trong tất cả các nghề. Tuy nhiên, đây lại là một trong những công việc phát triển nhanh nhất ở xứ cờ hoa, với gần 15.000 việc làm dự kiến sẽ được bổ sung mỗi năm trong 1 thập kỷ tới.
“Công việc này rất khó khăn nhưng tôi thấy nó vô cùng thú vị. Đó là công việc tuyệt vời nhất từ trước đến nay. Tôi yêu những gì mình đang làm”, Tena chia sẻ với CNBC Make It.
Từ nghề tay trái thành công việc chính
Theo chia sẻ của người phụ nữ này, cách đây 4 năm, cô bắt đầu công việc sửa chữa mái nhà như một nghề tay trái bên cạnh công việc môi giới bất động sản. Sau một thời gian gắn bó, cho đến tháng 2/2021, cô thành lập công ty lợp mái của mình và lấy tên B. Barela Construction.
Năm ngoái, công ty đạt doanh thu 180.000 USD (khoảng 4,5 tỷ đồng) và đang trên đà đạt được 200.000 USD vào năm 2024, theo các dữ liệu tài chính mà CNBC Make It tổng hợp được.
Hiện tổng thu nhập của cô từ việc điều hành công ty và làm việc trong lĩnh vực xây dựng là hơn 70.000 USD/năm (khoảng 1,7 tỷ đồng).
Tena thường nói vui rằng bản thân “được định sẵn” làm việc trong ngành xây dựng. Bởi chú và ông của cô đều là những nhà thầu. “Đó là điều luôn thôi thúc trong tim tôi. Tuy nhiên, tôi phải mất rất nhiều năm mới dám theo đuổi công việc này”, cô nói.
Người phụ nữ này đã theo học tại Cao đẳng Cộng đồng Santa Fe từ năm 1995-2002. Sau khi tốt nghiệp, Tena làm lễ tân tại một văn phòng môi giới địa phương và lấy được giấy phép môi giới bất động sản và giấy phép hành nghề.
Sau đó, cô gắn bó với công việc môi giới bất động sản trong suốt 1 thập kỷ nhưng chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đang làm. Tena dần nhận ra bản thân “thuộc về bên ngoài, không phải trong văn phòng”.
Chia sẻ thêm, người phụ nữ này cho biết lý do cô không bắt đầu làm việc trong ngành xây dựng sớm hơn là vì luôn nghĩ rằng “đó là thế giới của đàn ông”.
Biến công việc phụ thành doanh nghiệp kiếm hàng trăm nghìn USD
Tena cho biết bản thân bắt đầu công việc tại một nhà thầu xây dựng vào năm 2016. Theo thời gian, cô được truyền cảm hứng để thực hiện bước nhảy vọt và lấy giấy phép nhà thầu xây dựng của tiểu bang New Mexico trong thời gian phong tỏa do đại dịch năm 2020.
Tại New Mexico, các nhà thầu tương lai phải vượt qua kỳ thi chuyên ngành và chứng minh rằng họ có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc tại một nhà thầu đã được cấp phép.
Tena đã dành phần lớn thời gian giãn cách để soạn thảo kế hoạch kinh doanh và tiếp thị, thực hành các kỹ thuật lắp đặt và sửa chữa một nhà kho ở sân sau nhà. Đồng thời, cô nghiên cứu tên cho doanh nghiệp chuyên lợp mái của mình.
Đến năm 2021, cô chính thức cho ra đời doanh nghiệp của mình. Tên gọi của công ty được đặt nhằm tôn vinh ông nội của cô, Lino Barela, người truyền cảm hứng cho cô theo đuổi công việc trong lĩnh vực xây dựng.
Sau khi có giấy phép chủ thầu, Tena tiếp tục tham gia chương trình đào tạo kéo dài 2 tuần để tiếp tục nhận được chứng chỉ lợp mái. Cô cho biết hiện nhu cầu về thợ lợp mái rất cao do tình trạng tồn đọng trong thời kỳ đại dịch và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
Sau khi đã bỏ số tiền 20.000 NDT để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công việc, cô cho biết không mất nhiều thời gian để tìm kiếm khách hàng. Bởi cô là người dân địa phương và có mạng lưới rất rộng với các nhà thầu xây dựng, giám đốc công trình.
Không tìm được công việc nào như này
Tena cho biết thông thường cô làm việc từ 6h sáng đến 4h chiều. Tuy nhiên, cô cũng phải trực thêm một vài buổi tối và cuối tuần nhằm phục vụ những khách hàng có nhu cầu sửa chữa khẩn cấp.
Hiện cô làm việc với 4 nhân viên chính thức và hợp tác với gần chục nhà thầu, trong đó có cả phụ nữ.
Chia sẻ thêm Tena cho biết lợp mái có thể không phải là công việc được nhiều người lựa chọn. Bởi nó thường bị đánh giá thấp do không mang đến sự ổn định và thỏa mãn về mặt tài chính.
Tuy nhiên người phụ nữ này khẳng định: “Mọi người luôn cần mái che cho căn nhà của mình nên thợ lợp mái luôn có việc. Công việc này cũng vô cùng ý nghĩa. Bởi bạn không chỉ làm việc để kiếm tiền mà còn đang đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ những gì quan trọng nhất đối với mọi người. Thật khó để có thể tìm được công việc này”.
Đinh Anh (Theo CNBC Make It)