Chính lễ diễn ra hai phần gồm: Tế lễ trong hang Mường và phần hội. Phần tế lễ, thầy mo cùng nhân dân địa phương rước lễ vật từ nhà văn hóa thôn Lùm Nưa vào trong hang Mường để thực hiện lễ tế Nàng Han và các thần linh cai quản bản mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.
Phần hội diễn ra ở ngoài hang Mường trên bãi đất bằng phẳng. Mọi người vui chơi, múa hát quanh cây hoa và tham gia các trò chơi dân gian gồm: đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co, đẩy gậy, tò lẹ, tung còn... Đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân. Thông qua lễ hội, nhân dân trong xã được giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.
Lễ hội Nàng Han là dịp để đồng bào Thái xã Vạn Xuân tỏ lòng biết ơn đối với nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, với lòng dũng cảm, sự mưu trí đã bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn, có ý nghĩa giáo dục các thế hệ con, cháu về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân.
Bên cạnh những giá trị lịch sử về sự phát triển của người Thái ở Vạn Xuân được phản ánh rõ nét trong việc xây dựng bản làng, khai phá đất đai, lễ hội còn mang tính nhân văn và tính nguyên hợp cao; là một hình thức lễ hội đặc biệt, vừa có lễ, vừa có hội kết hợp với diễn xướng, múa hát tập thể.
Chính vì lẽ đó lễ hội đã tích hợp được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của tộc người Thái, với gần như đầy đủ các loại hình như ngữ văn truyền khẩu (truyền thuyết Nàng Han); các tập quán xã hội và tín ngưỡng (thờ cúng, làm đồ tế lễ); các tri thức, văn hóa dân gian về ẩm thực được thể hiện qua các lễ vật cúng...