Mới đây, một video được chia sẻ trên nền tảng Tiktok tại Thái Lan đã thu hút hàng triệu lượt xem, kể về câu chuyện một người đàn ông đã sống sót như thế nào sau khi bị rắn cắn ở trên núi.
Người đàn ông cho biết gia đình anh đã nhiều đời làm nghề thầy thuốc, chuyên trị các vết thương do rắn cắn và nhờ đó, anh mới có thể tự sơ cứu cho bản thân và trở về nhà để đến bệnh viện kịp thời.
Tuy nhiên, cách thức mà người đàn ông áp dụng lại gây ra những tranh cãi trên MXH về tính an toàn của nó.
Lên núi bị rắn cắn, người đàn ông chia sẻ cách mình làm để sống sót
Trong đoạn video được đăng tải trên Tiktok từ tài khoản @arunsrisuwan512, người đàn ông Thái Lan cho biết anh bị rắn cắn vào ban đêm ở trên núi cao. Sau bữa tối, anh đã đi câu cá trên dãy núi Banthat ở tỉnh Phatthalung phía nam Thái Lan thì bất ngờ bị một con rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân. Người đàn ông đã sử dụng các kỹ năng sinh tồn được truyền qua nhiều thế hệ để xử lý tình huống.
Đầu tiên, anh dùng một loại cây giống như dây leo để buộc ở cổ chân phía trên vết cắn mà theo anh là để tạm thời kiểm soát tình hình. Vết cắn khiến một phần chân của anh bị sưng tấy và anh đã sử dụng các phương pháp điều trị truyền thống như dùng dầu thảo dược và thuốc giảm đau để giảm viêm, giúp vết thương bớt đau nhức.
"Con rắn cắn vào mu bàn chân tôi. Phần bên trong lòng bàn chân của tôi chưa bị sưng nhưng phần bên ngoài thì có. Tôi dùng một loại thảo mộc truyền thống để băng bó vết thương, bôi dầu thảo mộc và uống thuốc giảm đau để giúp vết thương bớt đau đớn cho đến khi về đến nhà. Sau đó, tôi mới đến bệnh viện", người đàn ông chia sẻ.
Việc xuống núi vào ban đêm với một bên chân bị đau không dễ dàng, nhưng may mắn anh đã về đến nhà và sau đó tìm kiếm sự trợ giúp về mặt y tế. Người đàn ông đã phải nằm điều trị 7 ngày trước khi được xuất viện để tiếp tục hồi phục tại nhà.
Người đàn ông cũng chia sẻ thêm rằng gia đình anh có nghề làm thuốc chữa các vết cắn của rắn độc. Bà của anh là đời thứ tư và có vẻ như anh là người tiếp theo kế thừa những phương pháp này.
Đoạn video đã thu hút nhiều lượt xem bình luận, trong đó nhiều người dùng mạng đã đưa ra lời khuyên là không nên dùng phương pháp buộc phía trên vết thương như cách người đàn ông đã làm. Họ cho rằng nó có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, chẳng hạn như gây tổn thương mô do lưu lượng máu đến khu vực này bị hạn chế.
Một người dùng bình luận: "Buộc ở phía trên vết thương khi bị rắn cắn là kiến thức lỗi thời rồi. Em tôi bị rắn hổ mang cắn, phần nặng nhất là chân bị hoại tử, phải phẫu thuật để lấy mô chết và ghép phần thịt khỏe mạnh từ đùi. Đó là một thử thách đau đớn, đặc biệt đối với một đứa trẻ 5 tuổi".
Mặc dù người đàn ông may mắn sống sót và không gặp biến chứng sau khi điều trị vết rắn cắn, nhưng theo các chuyên gia, cách làm của anh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hoại tử và nhiễm trùng vết thương. Vậy khi gặp tình huống tương tự, nên xử lý thế nào?
Nên làm gì sau khi bị rắn độc cắn?
- Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn, màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công. Nếu đã bắt được rắn thì chụp ảnh rắn lại hoặc mang rắn chết cùng đến cơ sở y tế.
- Nên bất động chân hoặc tay bị cắn bằng nẹp.
- Dùng băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường) để ép hệ tĩnh mạch và hệ bạch huyết, làm chậm lại sự di chuyển của nọc rắn.
- Nếu bị rắn lục cắn gây chảy máu không cầm được thì bắt buộc phải băng ép chặt hơn chỗ cắn lại để cầm máu.
- Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Khi bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc, bệnh nhân có thể tử vong lập tức.
- Không tự ý đắp lá, bôi các loại dầu thảo dược vào vết cắn vì có thể gây nhiễm trùng, khiến việc điều trị phức tạp hơn.
(Nguồn: Bệnh viện Vinmec)
Gia Linh