Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5, cả nước liên tiếp xảy các vụ ngộ độc thực phẩm vô cùng nghiêm trọng khiến số lượng bệnh nhân phải nhập viện lên tới cả nghìn người.
Chẳng hạn, vào ngày 6/5, UBND TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 560 người nhập viện do ngộ độc sau ăn bánh mì ở phường Xuân Bình.
Tối 13/5, Sở Y tế Bình Thuận ghi nhận đoàn khách 750 người ở Bình Dương được một công ty du lịch tổ chức tour tại Hàm Tiến - Mũi Né, lưu trú tại một khu nghỉ dưỡng cạnh biển.
Sau khi ăn tối và ăn khuya tại các nhà hàng, một số thực khách bắt đầu có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy phải cấp cứu. Cụ thể, có tới 52 người đã nhập viện, trong đó 20 ca điều trị tại bệnh viện tỉnh, 13 ca ở Trạm Y tế Hàm Tiến, 19 người vào phòng khám Mũi Né.
Ngày 14/5, hơn 3.290 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tại Vĩnh Phúc chia thành hai ca để ăn. Ca một ăn lúc 11h30 gồm hơn 1.000 suất, ca hai lúc 12h30 khoảng 2.000 suất. Bữa ăn do công ty tự nấu, có gà xào sả ớt, súp lơ xanh, canh đỗ xanh và dưa muối.
Đến 17h cùng ngày, hơn 350 công nhân đau bụng, buồn nôn. 49 người được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, 80 người tới Trung tâm Y tế TP Vĩnh Yên và 222 ca tới Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. 60 người còn lại được theo dõi tại phòng y tế của đơn vị, theo báo cáo của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam.
Đại diện Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt cho biết tiếp nhận hơn 200 công nhân có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, "may mắn chưa ai trở nặng".
Hay mới đây nhất vào ngày hôm qua (15/5), sau bữa ăn chiều với món mì quảng gà và bánh đa gà, gần 100 công nhân Công ty TNHH Dechang Việt Nam ở KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy...
Họ được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cấp cứu từ chiều đến tối 15/5. Trung tâm y tế huy động toàn bộ y bác sĩ đang trực để cấp cứu, trong bối cảnh số bệnh nhân nhập viện quá đông. Bệnh nhân phải nằm 2-3 người một giường. Phòng cấp cứu kê thêm băng ca, giường xếp dọc lối đi để cứu chữa người bệnh.
Trước tình trạng trên, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) đưa ra khuyến cáo tới cộng đồng về các dấu hiệu khi ngộ độc thực phẩm mà rất nhiều người dân thường bỏ qua.
Theo các bác sĩ, ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn, là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm biến chất, ôi thiu, chất bảo quản hay phụ gia vượt quá liều lượng cho phép.
Có 7 dấu hiệu cần ghi nhớ gồm:
Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn đều là dấu hiệu ngộ độc thức ăn điển hình. Lúc này, cơ bụng và cơ hoành co bóp mạnh, gây ra những cơn nôn mửa kéo dài để bạn có thể "tống" tất cả thức ăn trong dạ dày ra ngoài càng nhanh càng tốt. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể bằng cách loại bỏ các tác nhân gây hại.
Trong một số trường hợp, mức độ nôn giảm dần sau 48 giờ. Ngược lại, cũng có những trường hợp nôn mửa liên tục với mức độ tăng dần.
Đau bụng
Nếu vô tình ăn phải những thực phẩm bị nhiễm khuẩn, niêm mạc dạ dày và ruột sẽ bị kích ứng, dẫn đến viêm và đau. Từ đó nạn nhân đau bụng với biểu hiện là đau co cứng ở vùng bụng, đau dữ dội hoặc quằn quại từng cơn.
Tuy nhiên, đau bụng còn là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi và quan sát biểu hiện đau bụng, để xác định do ngộ độc hay các bệnh lý khác.
Sốt
Sốt cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm. Lúc này, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, khoảng 38 độ C để kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động, từ đó giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Tiêu chảy nhiều lần
Khi bị tiêu chảy, số lần đi ngoài sẽ tăng lên, phân nát, lỏng hoặc nặng hơn là phân lẫn máu. Tiêu chảy liên tục kèm theo nôn ói dễ dẫn đến mất nước, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Vì thế cần bù nước và theo dõi người bệnh thường xuyên khi xuất hiện đồng thời hai dấu hiệu ngộ độc thức ăn này.
Vã mồ hôi liên tục
Không phải lúc nào ngộ độc thực phẩm cũng gây ra đau bụng hay nôn ói đầu tiên. Có rất nhiều trường hợp, dấu hiệu ngộ độc thức ăn sớm là vã mồ hôi liên tục, ngay cả khi cơ thể đang nghỉ ngơi, không vận động hoặc ngồi trong môi trường mát mẻ. Cùng với dấu hiệu này, người bị ngộ độc còn có cảm giác khát nước và khô môi.
Mạch nhanh, thở nhanh
Một dấu hiệu khác cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm cần chú ý là mạch đập nhanh, thở gấp hoặc có cảm giác khó thở.
Nếu đi kèm là các biểu hiện như loạn nhịp tim, đau ngực, da tím tái... thì rất có thể tình trạng ngộ độc đang trở nên nghiêm trọng hơn, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
Đau cơ
Khi vi khuẩn từ thực phẩm bị biến chất xâm nhập vào cơ thể, Histamin - chất giúp mở rộng các mạch máu nhằm giúp bạch cầu dễ dàng để chống lại nhiễm trùng, sẽ được giải phóng. Tuy nhiên, chất này cũng vô tình kích hoạt các thụ thể gây đau khiến người bị ngộ độc thực phẩm cảm thấy nhức mỏi cơ thể, đau cơ âm ỉ tương tự như khi bị ốm (cảm).
Khi xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc thức ăn, người bệnh cần nghỉ ngơi và bù nước. Bên cạnh đó, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế trong thời gian gần nhất để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm.