Campuchia mua hàng loạt toa tàu chở hàng của Trung Quốc
Tờ Khmer Times (Campuchia) đưa tin, nhà điều hành đường sắt Campuchia Royal Railway - một công ty con của tập đoàn đa ngành Royal Group - cho biết trong một thông cáo báo chí rằng những toa tàu chở hàng hiện đại này đã đến Cảng tự trị Sihanoukville vào ngày 27/12 và đã được dỡ hàng thành công vào sáng 28/12.
Thông cáo báo chí viết: "Những toa tàu này được chế tạo bởi một nhà sản xuất hàng đầu của Trung Quốc, được thiết kế để vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau, từ container và máy móc hạng nặng đến vật liệu xây dựng và nhiều thứ khác.”
"Việc mua thêm [các toa tàu mới] này củng cố sứ mệnh của Royal Railway là cung cấp các giải pháp vận chuyển hàng hóa đáng tin cậy và linh hoạt, tăng cường sức mạnh cho các ngành công nghiệp trên khắp Campuchia và khu vực", thông cáo báo chí cho biết thêm.
Theo Khmer Times, các toa tàu này đã được đưa vào vận hành sau khi trải qua các bài kiểm tra hệ thống phanh nghiêm ngặt vào ngày 28/12 để đảm bảo an toàn và hiệu suất tối ưu.
Royal Railway cho biết 36 toa tàu chở hàng này là một phần của đơn đặt hàng lớn gồm tổng cộng 221 toa tàu chở hàng, đồng thời cho biết lô đầu tiên gồm 60 toa đã đến Campuchia vào ngày 1/12.
"Trước mắt, 44 toa tàu khác sẽ đến vào đầu tháng 1/2025, còn các toa tàu còn lại dự kiến sẽ đến trong những tháng tới", thông cáo báo chí viết.
Thông cáo báo chí cũng cho biết thêm rằng việc nâng cấp theo từng giai đoạn này chứng tỏ sự tận tâm của Royal Railway trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành hậu cần đang phát triển tại Campuchia.
"Đây là thời điểm quan trọng đối với Royal Railway khi chúng tôi mở rộng đội tàu của mình để mang lại giá trị lớn hơn nữa cho khách hàng", John Guiry - Giám đốc điều hành Royal Railway - cho biết.
"Những toa tàu này không chỉ giúp tăng cường năng lực của chúng tôi mà còn cải thiện hiệu quả hoạt động hậu cần của chúng tôi", ông nói thêm.
Vào tháng 7/2024, Royal Railway cũng đã tiếp nhận một lô hàng gồm 25 toa tàu chở hàng từ Malaysia.
Theo Khmer Times, việc mở rộng quy mô của dịch vụ vận tải hàng hóa là một phần trong chiến lược đầy tham vọng của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Royal Group Neak Okhna Kith Meng nhằm biến Royal Railway trở thành một đơn vị chủ chốt trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng tại Campuchia.
Royal Railway - bắt đầu hoạt động từ năm 2010 - là đối tác nhượng quyền của chính phủ Campuchia.
Thủ tướng Hun Manet thúc giục nâng cấp vận tải đường sắt
Khmer Times đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển mạng lưới vận tải hàng hóa đường sắt tại đất nước này.
Ông đã yêu cầu Royal Railway tập trung vào lĩnh vực vận tải hàng hóa để làm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, hiện chỉ chiếm chưa đến 7% tổng khối lượng hàng hóa đi qua cảng Sihanoukville.
"Đừng tập trung nhiều vào tàu cao tốc", ông Hun Manet nói hồi đầu năm nay. "Chúng ta [Campuchia] phải nâng cấp cơ sở hạ tầng vận tải trên các tuyến đường sắt hiện có để vận chuyển hiệu quả cả người và hàng hóa."
Theo “Kế hoạch tổng thể về giao thông và hậu cần” của Campuchia được công bố trong năm 2024, quá trình phát triển đường sắt của quốc gia này được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn trung hạn đến năm 2027, và giai đoạn dài hạn là 2028-2033.
Trong đó, kế hoạch vận tải đường sắt nhấn mạnh vào việc nâng cấp hai tuyến đường sắt hiện có theo chuẩn đường sắt cao tốc và phát triển các tuyến đường sắt mới. Tổng cộng có 8 dự án đường sắt được lên kế hoạch, cần tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD.
Theo Khmer Times, Campuchia hiện có hai tuyến đường sắt chính: Tuyến phía Nam từ thủ đô Phnom Penh đến cảng biển sâu tại thành phố Sihanoukville, dài 264 km và được xây dựng vào những năm 1960; Tuyến phía Bắc từ Phnom Penh đến thành phố Poipet trên biên giới với Thái Lan, dài 386 km, được xây dựng từ năm 1929 đến năm 1942.
Hai tuyến đường sắt này đang do Royal Railway khai thác.
Hữu Hiển