Theo Dân Trí, Vietnam Airlines vừa thông báo sẽ chi hơn 42 tỷ đồng để khen thưởng cán bộ nhân viên hoàn thành sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm và cao điểm hè.
"Với kết quả sản xuất kinh doanh tích cực trong 7 tháng đầu năm, đặc biệt giai đoạn cao điểm hè từ tuần cuối tháng 5 đến hết tháng 7, tổng công ty quyết định chi khen thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp, nỗ lực và khích lệ tinh thần của toàn bộ người lao động tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn các tháng cuối năm", Vietnam Airlines cho hay.
Tính đến hết tháng 7, với số chuyến bay khai thác vượt 10,3% kế hoạch doanh thu vận tải hành khách đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Đặc biệt, giai đoạn cao điểm hè, số lượt khách vận chuyển/ngày, tăng 26,3% so cùng kỳ 2019 và tăng 9,7% so với kế hoạch.
Theo VietNamNet, trong 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm hơn 5.200 tỷ đồng, nhưng thấp hơn mức lỗ hợp nhất hơn 8.600 tỷ đồng cùng kỳ năm liền trước.
Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ đồng và tiếp tục bị Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn ở mức rất lớn, gần 52,7 nghìn tỷ đồng, vượt xa so với tài sản ngắn hạn, vốn chỉ ở mức 16,2 nghìn tỷ đồng.
Theo Deloitte Việt Nam, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
Việc thưởng cho người lao động khi còn thua lỗ nặng là vấn đề còn tranh cãi. Nhưng, Vietnam Airlines cho rằng, quyết định khen thưởng kịp thời cho việc hoàn thành nhiệm vụ cao điểm hè của người lao động thể hiện sự quan tâm của ban lãnh đạo, đúng với phương châm “người lao động luôn là tài sản quý giá nhất”.
Tính từ đầu năm 2022, Vietnam Airlines luôn nỗ lực tháo gỡ khó khăn về nguồn quỹ tiền lương, đã thực hiện 4 lần bổ sung thu nhập cho người lao động từ quỹ tiền lương và lần thứ 5 này việc bổ sung thu nhập được trích từ quỹ khen thưởng của tổng công ty.
Dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines sẽ tích cực hơn vào nửa cuối 2022 và trong năm 2023.
Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, năm 2022, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ 3 giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất.
Theo đó, hãng sẽ sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất, không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau. Đồng thời, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Trước đó, Vietnam Airlines cho biết sẽ bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ, thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính, thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.
Hãng cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, hãng bay tư nhân Vietjet của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã có báo cáo ghi nhận doanh thu đạt 15.934,6 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỉ đồng, lần lượt tăng 111% và 19% so với cùng kỳ 2021, thông tin trên Tuổi Trẻ.
PN (Nguoiduatin.vn)