Reuters: Hàng chục “sát thủ diệt hạm” của Nga sắp tới điểm nóng
Hãng tin Reuters (Anh) ngày 24/9 dẫn ba nguồn tin phương Tây và Trung Đông cho biết, Iran đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán bí mật đang diễn ra giữa Nga và lực lượng Houthi ở Yemen nhằm chuyển giao tên lửa chống hạm khét tiếng của Moscow cho nhóm chiến binh này.
7 nguồn tin khác nói với Reuters rằng, Nga vẫn chưa quyết định chuyển giao tên lửa Yakhont (còn được gọi là P-800 Oniks) cho Houthi. Theo các chuyên gia, tên lửa Yakhont sẽ cho phép Houthi tấn công chính xác hơn vào các tàu ở Biển Đỏ, từ đó gia tăng mối đe dọa cho các tàu chiến Mỹ và châu Âu tại đây.
Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, tờ Wall Street Journal (WSJ) tiết lộ, Nga đang cân nhắc gửi tên lửa cho Houthi, nhưng vai trò của Iran không được đề cập.
Houthi đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào các tàu qua lại trên tuyến vận chuyển quan trọng ở Biển Đỏ từ tháng 11 năm ngoái để thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine trong cuộc chiến với Israel ở Gaza.
Nhằm đáp trả, Mỹ và Anh đã tấn công vào các vị trí của Houthi nhưng không ngăn chặn được dứt điểm hành động của nhóm vũ trang này.
Hai quan chức khu vực nắm rõ các cuộc đàm phán cho biết, đại diện Houthi và Nga đã gặp gỡ ít nhất hai lần trong năm nay tại Tehran. Các cuộc đàm phán để cung cấp hàng chục tên lửa, với tầm bắn khoảng 300km, vẫn đang diễn ra. Những cuộc họp tiếp theo liên quan tới chủ đề này dự kiến sẽ diễn ra tại Tehran trong các tuần tới.
Theo Reuters, Nga từng cung cấp tên lửa Yakhont cho lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Một trong các nguồn tin của Reuters cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai phía đã bắt đầu dưới thời cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi - người thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng vào tháng 5 năm nay.
“Nga đang đàm phán với Houthi về việc chuyển giao tên lửa chống hạm siêu thanh Yakhont” – Một nguồn tin tình báo phương Tây nói – “Iran đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán nhưng không muốn để lộ vai trò của mình”.
Phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc và Bộ Quốc phòng Nga đều chưa đưa ra bình luận nào về thông tin của Reuters.
Trong khi đó, ông Mohamed Abdel-Salam – đại diện phát ngôn của Houthi nói: “Chúng tôi không biết gì về thông tin được đề cập”.
Một quan chức cấp cao của Mỹ từ chối nêu tên hệ thống tên lửa cụ thể sẽ được chuyển giao, nhưng xác nhận rằng Nga “đã thảo luận về việc cung cấp tên lửa cho Houthi”. Vị quan chức đánh giá diễn biến này là “rất đáng lo ngại”.
Ông Putin tung đòn đầu tiên vào Mỹ - Phương Tây sau cảnh báo?
Theo Reuters, Nga và Iran đã vun đắp mối quan hệ quân sự chặt chẽ trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Đầu tháng này, Mỹ cáo buộc Iran đã chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn để Moscow sử dụng nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine.
Theo 3 nguồn tin của Reuters, một trong những lý do khiến Nga cung cấp vũ khí cho Houthi có thể liên quan tới khả năng các quốc gia phương Tây đang cân nhắc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Một quan chức Mỹ nói: “Các cuộc đàm phán giữa Nga và Houthi có vẻ liên quan tới lập trường của chúng tôi ở Ukraine, và những gì chúng tôi sẵn sàng hoặc không sẵn sàng làm (đối với yêu cầu của Kiev về việc dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp nhằm tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga).
Nếu đúng như vậy thì đây là động thái liên quan đầu tiên của Nga kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 cảnh báo rằng, Moscow có thể chuyển giao vũ khí tầm xa tiên tiến – tương tự như những vũ khí mà Mỹ và đồng minh đưa tới Ukraine – cho các đối thủ của phương Tây trên khắp thế giới.
Yakhont được đánh giá là một trong những tên lửa diệt hạm tiên tiến và đáng gờm nhất hiện nay. Thiết kế đặc biệt cho phép tên lửa di chuyển với tốc độ gấp đôi tốc độ âm thanh và khó bị phát hiện, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn.
Tên lửa này từng được tạp chí "The National" xếp vào 1 trong 5 loại vũ khí của Nga khiến Mỹ e sợ nhất.
“Lá bài thay đổi cuộc chơi”
Ông Fabian Hinz - chuyên gia về tên lửa đạn đạo tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết, việc Nga chuyển giao tên lửa Yakhont cho Houthi sẽ là một "nhân tố thay đổi cuộc chơi" đối với ninh khu vực.
"P-800 là hệ thống có khả năng lớn hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống hạm mà Houthi đã sử dụng cho đến nay" – Ông Hinz cho biết. Ngoài tấn công tàu chiến, chúng còn có thể được sử dụng làm vũ khí tấn công trên bộ mà Saudi Arabia coi là mối đe dọa.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, trong cuộc thảo luận với Saudi Arabia vào mùa hè năm nay, phái đoàn Mỹ từng nhắc tới cuộc đàm phán Nga-Houthi và cho biết, Washington đã đề cập vấn đề này với Moscow. Ba nguồn tin nói với Reuters rằng, phía Saudi Arabia cũng đã thể hiện trực tiếp mối quan ngại của họ với Nga.
Chính phủ Saudi hiện không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Chuyên gia Hinz nhận định, Nga sẽ cần hỗ trợ một số vấn đề liên quan tới việc chuyển giao tên lửa, như cách chuyển giao và đưa chúng vào hoạt động mà không bị Mỹ phát hiện và phá hủy. Houthi cũng cần được đào tạo về hệ thống này.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ đã cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu việc chuyển giao diễn ra.
“Người Saudi đang lo lắng. Chúng tôi lo lắng, và các đối tác khu vực khác cũng lo lắng” - Vị quan chức này nói – “Houthi đã gây ra đủ thiệt hại ở Biển Đỏ, và điều này sẽ cho phép họ làm nhiều hơn nữa”.
Minh Nhật