Nội dung chính
|
Phát hiện loài chim chuyên săn sư tử non
Theo National Geographic, tháng 12 năm 2012, tại khu bảo tồn Maasai Mara ở Kenya, các hướng dẫn viên đã chứng kiến nhiều vụ săn mồi đặc biệt, trong đó có một con đại bàng martial trưởng thành theo dõi một đàn sư tử trong vài tuần. Con đại bàng này sau cùng đã tấn công và giết chết ba sư tử con. R. Stratton Hatfield, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Wageningen ở Hà Lan, đã nói rằng con đại bàng này đích thực đã nhắm vào sư tử để săn mồi.
Mặc dù sư tử có thể là loài chiếm ưu thế về lãnh thổ, những sự kiện như thế này và các trường hợp khác đã chỉ ra rằng sư tử châu Phi (Panthera leo) không phải lúc nào cũng nằm ở đỉnh cao của chuỗi thức ăn. Theo nghiên cứu của Hatfield và cộng sự được đăng tải trên tạp chí Ecology and Evolution, đại bàng martial (Polemaetus bellicosus) thường xuyên săn mồi sư tử con nếu có cơ hội.
Gần đây, nhóm nghiên cứu của Hatfield đã ghi nhận được việc đại bàng martial săn cả những động vật ăn thịt khác. Họ đã thu thập thông tin về tổng cộng 7 sự cố, bao gồm cả vụ việc xảy ra năm 2012, trong đó đại bàng martial tấn công và giết chết 7 con sư tử non và làm một con khác suýt chết. Hatfield cho rằng phần lớn các sự cố này đều liên quan đến đại bàng cái trưởng thành dù có hai trường hợp liên quan đến đại bàng non.
Sự cố sớm nhất được ghi nhận là vào năm 2008, khi một nhiếp ảnh gia chụp được hình ảnh một con đại bàng đang ăn thịt một con sư tử non vừa bị giết, trong khi sự cố mới nhất diễn ra vào năm 2023, khi một hướng dẫn viên safari chứng kiến một con đại bàng non sát hại một con sư tử non lớn đến nỗi không thể mang đi được.
Amy Dikeman, nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học Oxford ở Anh, không ngạc nhiên trước việc đại bàng thường xuyên tấn công sư tử non nếu như chiến lược này hiệu quả. Dikeman đứng đầu Lion Landscapes, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về việc duy trì mối quan hệ hòa bình giữa con người và động vật hoang dã tại Kenya và Tanzania. Bà tán thành các phát hiện của Hatfield và nhóm của ông rằng đại bàng chỉ là một trong nhiều rủi ro mà sư tử phải đối mặt, tương tự như linh cẩu hoặc sư tử đực từ những bầy khác.
Đại bàng không phải là mối đe dọa lớn về bảo tồn đối với sư tử. Đại bàng martial không kén ăn trong việc chọn mồi, có khi còn săn cả con non của báo săn và báo hoa mai. Mối nguy hiểm không chỉ đến từ một phía, sư tử cũng có thể săn các đại bàng trưởng thành hoặc con non trong tổ.
Loài chim săn mồi to lớn dũng mãnh nhất Châu Phi
Đại bàng martial là loài đại bàng cực kỳ to lớn, có chiều dài từ 78 đến 96 cm, cân nặng nằm trong khoảng từ 3 đến 6,2 kg và có sải cánh từ 188 đến 260 cm, đuôi của chúng dài từ 27,2 đến 32 cm và phần xương cổ chân có chiều dài từ 9,7 đến 13 cm. Đây là loài đại bàng to nhất ở châu Phi và xếp hạng năm thế giới về kích thước.
Bộ lông của chúng ở tuổi trưởng thành bao gồm màu xám-nâu đậm ở phần lưng, đầu, và phần trên cơ thể, trong khi phần dưới cơ thể có màu trắng đốm đen-nâu. Lông dưới cánh màu nâu, và thường thì con cái to lớn hơn con đực. Chim non có màu sắc nhạt hơn, với phần đầu và ngực thường là màu trắng và chỉ có ít đốm ở phần dưới. Mỏ của chúng rất mạnh và dài khoảng 5,5 cm, còn đôi chân không chỉ được phủ lông mà còn cực kỳ mạnh mẽ.
Thị lực của chúng cũng rất ấn tượng, vượt trội hơn thị lực của con người từ 3 đến 3,6 lần, giúp chúng có thể nhìn thấy con mồi từ khoảng cách xa.
Đại bàng Martial có thể tìm thấy ở đa số vùng ở châu Phi phía nam sa mạc Sahara, miễn là thức ăn đủ sẵn có và điều kiện môi trường phù hợp. Chúng ưa chuộng sinh sống ở những nơi như rừng thưa, lề rừng, đồng cỏ và khu vực có bụi cây gai. Loài này tránh xa rừng nhiệt đới dày đặc. Đại bàng Martial có xu hướng lựa chọn các khu vực hoang sơ hoặc được bảo vệ. Khu vực lãnh thổ của chúng thay đổi lớn nhỏ tùy theo nguồn thức ăn có sẵn.
Đại bàng martial nằm trong số những loài chim săn mồi mạnh mẽ nhất hành tinh và chỉ có đại bàng rừng châu Phi mới có thể sánh kịp với nó trong số các loài chim săn mồi của châu Phi. Đây là loài chim săn mồi đỉnh, chiếm vị trí cao nhất trong chuỗi thức ăn và nếu khỏe mạnh, chúng không sợ bất kỳ kẻ thù tự nhiên nào.
Dù phạm vi sinh sống của chúng có thể chạm nhau, đại bàng martial và đại bàng rừng châu Phi lại ưa chuộng các loại môi trường khác nhau: đại bàng rừng thích rừng rậm, còn đại bàng martial thì ưu tiên thảo nguyên, do đó không có sự cạnh tranh trực tiếp.
Chế độ ăn của đại bàng martial rất đa dạng, với thức ăn nặng từ 1 đến 4 kg. Trong các con mồi chim, đại bàng martial thường chọn các loài sống trên mặt đất như gà gô, gà phi hoặc Ô tác. Ngoài ra còn có đà điểu non, cò, diệc, các loài chim nước, chim mỏ sừng và chim quelea. Đối với động vật có vú, chúng săn thỏ rừng, đa man hyrax, cầy mangut, sóc, chuột nhảy, chuột cống, cầy genet, cáo, khỉ đầu chó, các loài khỉ khác, linh dương dikdik, lợn bướu, linh dương Impala non và nhiều loài linh dương non khác. Thậm chí chúng cũng săn các động vật ăn thịt như linh miêu châu Phi, beo đốm châu Phi và chó rừng lưng.
Con mồi lớn nhất được biết đến là linh dương duiker trưởng thành với trọng lượng lên đến 37 kg. Mặc dù có thể săn mồi nặng hơn chính mình và trở lại ăn nhiều lần, hầu hết con mồi của đại bàng martial nặng dưới 5 kg. Chúng cũng có thể săn gia súc như gà, cừu và dê non nhưng không thường xuyên.
Đại bàng martial săn mồi chủ yếu bằng cách bay lượn trên cao xung quanh lãnh thổ và đột ngột lao xuống để bắt mồi, có thể nhận ra con mồi từ khoảng cách 3 đến 5 km. Đôi khi chúng săn từ vị trí đậu cao hoặc ẩn náu trong thảm thực vật gần hố nước. Con mồi là chim thường bị bắt trên mặt đất hoặc trên cây, nhưng cũng có thể bị bắt khi đang bay.
Đại bàng martial có khả năng sinh sản vào những tháng khác nhau và thường xây tổ trên những cây cổ thụ. Chúng có một chu kỳ sinh sản khá chậm, đẻ một (đôi khi là hai) quả trứng khoảng mỗi hai năm một lần. Quá trình ấp trứng kéo dài từ 45 đến 53 ngày, sau đó con non sẽ được chăm sóc trong khoảng từ 96 đến 104 ngày. Sau quãng thời gian ấy, con non vẫn sẽ nhận được sự chăm sóc từ cha mẹ trong khoảng 6 đến 12 tháng tiếp theo.
Đại bàng martial được xếp vào danh sách loài nguy cấp bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Chúng, giống như nhiều loài chim săn mồi lớn khác ở châu Phi, đang đối mặt với các vấn đề như mất môi trường sống, bị săn bắt, nguy cơ điện giật và bị ngược đãi.
Hai Xia (Tổng hợp)