Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD.
Tính đến giữa tháng 7 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn sắn, giá trị đạt gần 684 triệu USD. Khách hàng lớn nhất, gần như "bao mua" toàn bộ sắn và sản phẩm sắn của nước ta là Trung Quốc (chiếm hơn 90%).
Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam (Viện dinh dưỡng Quốc gia), trong 100g sắn có chứa 152 calo, 1.1g protein, 0.2g chất béo, 36.4g glucid, 1.5g chất xơ, 25mg calci, 1.20mg sắt, 4mg magie, 30mg phospho, 394mg kali.
Nhà khoa học Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội, cho hay củ sắn được trồng rộng rãi để lấy củ làm lương thực và lấy lá làm rau ăn. Người trồng có thể thu hái lá, vỏ thân quanh năm, thường dùng tươi. Hiện tại ở Việt Nam sắn được trồng phổ biến ở nhiều nơi.
Củ sắn còn có tên gói khác là khoai mì, củ mì, có tên khoa học là Manihot esculenta Crantz, thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae. Theo y học hiện đại, sắn có chứa nhiều chất xơ và flavonoid có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch.
Lượng kali trong săn cao có tác dụng cân bằng lượng natri vào cơ thể và tác dụng phòng tránh tình trạng cao huyết áp. Lượng chất xơ trong sắn cao nên sắn cũng được dùng để ăn kiêng kiểm soát cân nặng.
Ông Sáng cho biết củ sắn là một vị thuốc trong y học cổ truyền, dùng để chữa một số bệnh dân dã. Bột củ sắn trộn với rượu chữa bệnh ngoài da cho trẻ em, trị chứng sốt, rùng mình, ớn lạnh, bị đau nhức cơ bắp… Ngoài ra, dân gian dùng lá sắn giã, đắp trị mụn nhọt, cầm máu.
Ông Sáng lưu ý ăn sắn nếu không được chế biến đúng cách có thể gây ngộ độc. Nguyên nhân là do trong thực phẩm này có chứa cyanogenic glycoside có khả năng giải phóng xyanua trong cơ thể, từ đó gây tê liệt, tổn thương nghiêm trọng các cơ quan trong cơ thể.
Chế biến sắn đúng cách
- Gọt sạch vỏ sắn vì vỏ là nơi có chứa nhiều hợp chất có thể tạo ra xyanua.
- Sau khi gọt vỏ, nên ngâm sắn trong nước. Đây là cách để giảm tối đa những hóa chất độc hại trong sắn.
- Chỉ ăn sắn khi đã nấu chín. Nhiệt độ làm cho các chất có hại trong sắn được loại bỏ.
- Ăn sắn cùng với những thực phẩm có chứa nhiều protein để đảm bảo an toàn và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Để giảm nguy cơ gặp phải những tác hại từ sắn, bạn nên ăn lượng sắn vừa phải.