Món bò lá lốt được tờ Sydney Morning Herald giải thích đơn giản là "thịt bò xay cuộn trong lá", là món đặc sản của người dân miền Nam. Các gia vị tẩm ướp thịt bò gồm có hẹ, tỏi, tiêu đen, đường, nước mắm, dầu hào, bột ngọt. Thịt bò sau khi trộn đều gia vị, được cuộn lá lốt, "ngon nhất" khi nướng trên than củi.
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, ngoài là thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt.
Thịt bò kết hợp với lá lốt không chỉ là món ăn ngon mà còn là thuốc chữa xương khớp khi trời lạnh. Cách dùng: 50 - 70g lá lốt, 100g thịt bò cắt mỏng và tẩm ướp gia vị theo khẩu vị. Cuốn thịt bò với lá lốt rồi nướng chín. Ăn 2 - 3 lần/ tuần giúp giảm đau xương khớp.
Nói thêm về tác dụng của lá lốt, bác sĩ Vũ cho hay lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, họ Hồ tiêu (Piperaceae). Cây lá lốt là cây mọc hoang, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Tất cả bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc.
Lá lốt có chứa tinh dầu là các hợp chất hữu cơ như: beta-caryophylen, benzylaxetat, piperolotin, piperolotidin, piperlolotinon... Tinh dầu lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa và giảm đau.
Bò cuốn lá lốt (Ảnh minh họa)
"Lá lốt có chứa các loại alcaloid như piperin, piperidin, piplartin... Alcaloid lá lốt có tác dụng giãn mạch máu, làm ấm cơ thể và trừ phong hàn", bác sĩ Vũ nói.
Trong lá lốt còn chứa hợp chất phenolic có khả năng chống oxy hóa và 'bắt' gốc tự do, bảo vệ màng tế bào, ngăn ngừa viêm nhiễm và ung thư.
Bác sĩ Vũ cho biết trong y học cổ truyền, lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống.
Lá lốt được dùng điều trị các chứng phong, hàn, thấp, tê bại chân tay, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, nôn mửa, tiêu chảy, bệnh thận, chữa đau nhức xương khớp, đau đầu, đau răng, chảy mồ hôi.
Một số bài thuốc từ lá lốt
- Chữa bệnh trĩ: Hái 1 nắm lá lốt, rửa sạch, ngâm nước muối loãng cho sạch khuẩn, để khô ráo nước. Nấu lá lốt sôi để bớt hơi nóng rồi xông hậu môn khoảng 10 - 15 phút. Vệ sinh lại bằng cách lau khô nhẹ nhàng với khăn sạch.
- Chữa ra nhiều mồ hôi ở tay, chân: Dùng lá lốt tươi 30g thêm ít muối nâu sôi để nước hạ nhiệt độ ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5 - 7 ngày.
- Chữa đau bụng do nhiễm lạnh: Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
- Chữa viêm âm đạo, ngứa, ra nhiều khí hư: Lấy 50g lá lốt, 40g nghệ, 20g phèn chua, đổ nước ngập các nguyên liệu này khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi rồi hạ lửa nhỏ, tiếp tục đun trong khoảng 10 - 15 phút rồi chắt lấy một bát nước, để lắng trong, dùng rửa âm đạo.
- Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay: 30g lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống trong ngày. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi khoảng 5 phút rồi vớt bã để riêng. Nước dùng để rửa nơi có tổ đỉa, sau đó lau khô lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày.
- Chữa đầu gối sưng đau: Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau. Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày…
Bác sĩ Vũ cho hay, khi dùng lá lốt chữa bệnh cần phải cẩn trọng tránh tác dụng phụ. Để đảm bảo an toàn, cần tham khảo kĩ ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
Người bị nóng gan, đau dạ dày, nhiệt miệng cũng không nên dùng lá lốt để tránh khiến bệnh nghiêm trọng hơn. Người bị đau dạ dày dễ bị kích ứng niêm mạc khi ăn đồ ăn có tính nhiệt như lá lốt. Với người bị táo bón, nhiệt miệng vốn là những người bị nóng trong, ăn lá lốt vào cơ thể sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề.
Bình luận tiêu biểu (0)