Cây núc nác là loài cây mọc hoang, chủ yếu ở nơi có địa hình núi cao. Ngoài ra, núc nác còn được bà con vùng cao trồng làm cọc tiêu, hàng rào và lấy lá non ăn. Quả núc nác cũng là món ăn yêu thích của đồng bào các dân tộc bản địa.
Trước đây, loại cây này không mang lại giá trị kinh tế nhiều nên ít được quan tâm. Tuy nhiên, những năm gần đây, quả núc nắc trở thành loại quả hút khách. Nhiều nhà hàng, khách sạn ở những đô thị lớn dùng quả núc nác chế biến thành những món ăn đặc sản.
Nhờ đó, người dân trong vùng có núc nác kiếm thêm nguồn thu nhập đáng kể. Theo thông tin đăng tải trên báo Dân Việt, người dân hái quả núc nắc đem bán có thể thu về tiền triệu mỗi ngày.
Các món ăn làm từ quả núc nác không phải ai cũng ăn quen, vì nó có vị hơi đắng và hăng, nhưng nếu ăn quen thì lại thấy rất ngon. Quả núc nác có thể chế biến làm món xào, luộc, nấu canh hoặc làm gỏi.
Tác dụng của núc nác
Bác sĩ, Lương y Nguyễn Hữu Trọng, Ủy viên Hội Nam y Việt Nam, cho hay núc nác còn được biết tới là nam hoàng bá, mộc hồ điệp, sò đo thuyền, lim may… Cây có tên khoa học là Oroxylum indicum (L.) Kurz, thuộc họ Núc nác (Bignoniaceae).
Cây núc nác được trồng bằng hạt hoặc bằng cành, đất ẩm ướt, nhiều nơi nhân dân đã gây trồng trong vườn nhà.
Theo ông Trọng, lá, hoa, quả núc nác khi còn non đều ăn được, nhân dân dùng làm rau ăn bổ dưỡng, ngon miệng, kích thích tiêu hóa. Ngoài ra, vỏ cây và hạt cũng có nhiều tác dụng. Trong Y học cổ truyền, vỏ cây núc nác có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát khuẩn, cầm máu, lợi thấp. Hạt có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, chống ho, giảm đau.
Ông Trọng cho biết các flavonoid trong vỏ cây và hạt có tác dụng chống dị ứng, tăng sức đề kháng của cơ thể và chống viêm.
Hạt quả núc nác còn được dùng để chữa ho lâu ngày, viêm phế quản, đau dạ dày, ngày uống 4-6g dạng thuốc sắc hay thuốc tán.
Vỏ núc nác dùng chữa kiết lỵ, tiêu chảy, chữa dị ứng, bệnh ngoài da, ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
Bài thuốc từ núc nác
Theo ông Trọng, núc nác được sử dụng trong các bài thuốc chữa ho, viêm phế quản, viêm họng, khản tiếng. Dưới đây, là một số bài thuốc có sử dụng núc nác:
- Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày: Hạt mộc hồ điệp (hạt núc nắc) giã nhỏ 10-16g, đường phèn hay kẹo mạch nha 30g, nước 300ml. Sắc lấy 200ml nước thuốc, chia uống 3 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.
- Chữa lở loét do dị ứng sơn: Vỏ núc nác tươi hay khô giã nát; Rượu trắng 30 -40° cồn. Cho vỏ núc nác vào rượu ngâm khoảng 3-4 giờ. Dùng rượu này bôi vào nơi lở sơn. Ngày bôi 3-4 lần.
- Chữa vàng da, viêm họng, ho khan mất tiếng: Vỏ núc nác khô 16-20g. Cho sắc với 300ml nước lấy 150ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày, ngày uống 1 thang.
- Chữa lở, ngứa chảy nước vàng: Hạt núc nác 8-12g, vỏ núc nác 16-20g. Các vị cho vào 400ml nước sắc lấy 200ml nước thuốc, dùng bôi vào vùng bị lở chảy nước vàng, ngày bôi rửa 2-3 lần.
Lưu ý, núc nác có tính hàn, không nên dùng cho người tỳ vị hư hàn, tiêu lỏng hoặc người đang bị cảm lạnh ho, sổ mũi.
Ngọc Minh