Nội dung chính
|
Loài rắn được biết đến với vẻ ngoài kỳ dị
Ở Việt Nam, có một loài rắn được biết đến với vẻ ngoài kỳ dị từ đầu mũi chúng mọc ra hai sợi râu. Với đặc điểm lạ này, chúng được coi là một trong những loài rắn kỳ dị nhất thế giới. Đó là loài rắn có tên gọi là rắn râu, tên khoa học là Erpeton tentaculatum Lacepede.
Rắn râu là loài rắn đặc hữu của khu vực Đông Nam Á. Trước đây, loài này thường được phân loại vào phân họ Homalopsinae thuộc họ Colubridae. Tuy nhiên, gần đây chúng được xem là thuộc về họ Homalopsidae, tức họ Rắn ri. Đây là loài duy nhất trong chi Erpeton và chúng được biết đến với đặc điểm hai sợi râu đặc trưng phía trước miệng.
Rắn râu có thể được tìm thấy ở các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong phạm vi Việt Nam, chúng xuất hiện tại một số địa phương như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, và ở khu vực Tân Thạnh thuộc tỉnh Long An cũng như Kiên Giang.
Do hình thù lạ mắt, rắn râu đã được đưa đến nhiều quốc gia trên thế giới để làm sinh vật cảnh. Gần đây, việc săn bắt và buôn bán không kiểm soát đã làm cho loài rắn râu phải đối mặt với nguy cơ giảm sút nghiêm trọng về số lượng cá thể.
Môi trường sống của chúng thường là những nơi nước không trong, chẳng hạn như hồ nước, ruộng lúa, và những con sông chảy chậm, và chúng có thể sinh sống trong cả nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn. Hồ Tonlé Sap tại Campuchia, với nước giàu phù sa và đa dạng về cá, là một ví dụ tiêu biểu cho môi trường sống lý tưởng của loài rắn này.
Thông tin từ Sinh vật rừng Việt Nam cho biết đầu của loài rắn này có hình dạng đặc trưng, vảy trên thân phình ra đáng kể và phần bụng của chúng rất nhỏ. Bộ màu sắc cùng họa tiết trên cơ thể thay đổi linh hoạt, thường gặp là những đốm màu nâu trên thân. Khi sinh sống ở các khu vực nước ngọt yên bình với môi trường có độ axit, phần bụng phía trên của rắn mang màu nâu vàng. Mỗi lần sinh sản, rắn có thể đẻ từ 5 đến 13 con, và mỗi rắn con khi mới sinh có chiều dài từ 20 đến 24 cm, trông tương tự như rắn trưởng thành.
Loài rắn duy nhất biết dự đoán các phản ứng của con mồi
Loài rắn râu có kích thước khá khiêm tốn, với chiều dài trung bình từ 50 đến 90 cm. Đặc điểm nổi bật của chúng là hai xúc tu hình râu mọc ở đầu mũi, được sử dụng như một cách để thu hút con mồi, đặc biệt là cá. Hai chiếc râu cảm giác này rất nhạy, có khả năng cảm nhận mọi chuyển động dưới nước để nhanh chóng lao đến bắt lấy những con cá không may mắn bơi lướt qua gần chúng.
Cách săn mồi của chúng giống như một người đang câu cá, rắn râu sẽ nằm yên và đợi con cá bơi lại gần mới tấn công. Tốc độ tấn công của chúng vô cùng nhanh, chỉ mất 15 mili giây để bắt chặt con cá. Dù phản xạ cực kỳ nhanh nhẹn và cú tấn công bất ngờ, đôi khi vẫn không đủ để chúng bắt được cá, nên rắn râu còn sử dụng một mánh khóe thông minh khác. Khi phát hiện cá tiếp cận, rắn sẽ tạo ra một âm thanh quẫy nhẹ nhàng với thân mình, mô phỏng tiếng của con mồi, dụ cá tưởng nhầm và bơi thẳng đến nguy hiểm ngay trước miệng rắn.
Mặc dù chúng có nọc độc, lượng nọc và độc tố không đủ để gây hiểm nguy cho con người. Một vài trường hợp bị cắn bởi rắn râu chỉ cảm thấy buồn ngủ trong vài giờ mà không xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng khác.
Rắn râu có thể lưu lại dưới nước lên đến 30 phút mà không cần ngoi lên lấy không khí. Chúng di chuyển trên cạn khá vụng về. Vào mùa khô, vào buổi tối, chúng thường đào hang trong bùn để ẩn náu. Rắn con được sinh ra thông qua sự phát triển noãn thai trong nước. Rắn râu săn mồi bằng cách phục kích đặc biệt; chúng thường giữ nguyên tư thế bất động. Đuôi giúp chúng bám chặt trong nước và cơ thể mình uốn lượn như chữ "J" ngược. Khu vực săn mồi của chúng hẹp lại ở phía trước và một phần bên phải cơ thể. Khi cá bơi vào khu vực này, rắn râu sẽ đâm mình lên phía trước nhanh chóng để bắt mồi.
Trong số tất cả các loài rắn, loài rắn này là loài duy nhất biết dự đoán các phản ứng của con mồi để có những hành động thích hợp. Tương tự như rắn vòi voi, chúng chủ yếu sinh sống dưới nước nhưng cũng có khả năng di chuyển lên cạn.
Nguyệt Phạm (Tổng hợp)