Trong nhiều năm trở lại đây, tăng trưởng xanh được xác định là trọng tâm phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Riêng với Việt Nam, điều này cũng được thể hiện rất rõ thông qua "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011.
Đồng hành với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, một trong những địa phương là hình mẫu phát triển của hành trình chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới là Quảng Ninh.
Buộc phải chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” để phát triển bền vững
Quảng Ninh được biết đến là bể than của vùng Đông Bắc, với trữ lượng thăm dò khoảng 4 tỷ tấn, trải dài từ Cẩm Phả, Hạ Long đến Uông Bí, Đông Triều. Trung bình mỗi năm, các mỏ than ở Quảng Ninh cung cấp cho nền kinh tế trên 40 triệu tấn than nguyên khai.
Giai đoạn từ năm 2011 trở về trước, cơ cấu thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh chủ yếu dựa vào than. Bình quân mỗi năm số thu ngân sách từ than chiếm khoảng 67% số thu nội địa toàn tỉnh. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa vào công nghiệp, chủ yếu là khai thác than ở Quảng Ninh ngày càng bộc lộ những mảng “nâu” với nhiều bất cập.
Quan trọng hơn, khoáng sản không phải là nguồn tài nguyên vô tận và tăng trưởng “nâu” của ngành than một thời trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Trong khi đó, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác triệt để.
Nhận thấy được những bất cập trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã xác định việc chuyển hướng phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” khi đó trở thành giải pháp cấp bách để tạo tăng trưởng bền vững. Cùng với sự thúc đẩy mạnh mẽ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh chính thức thực hiện cú chuyển mình từ “nâu” sang “xanh” bắt đầu từ năm 2011.
Quảng Ninh bắt đầu thực hiện chuyển đổi giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng, hướng mũi nhọn phát triển sang lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Đồng thời, Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp xanh - sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Từ năm 2011 đến nay, để khởi động và triển khai trên thực tế chường trình từ "nâu" sang "xanh", lãnh đạo Quảng Ninh đã tổ chức hơn 200 cuộc họp, tọa đàm ở Hà Nội để thảo luận về cách thức phát triển của Quảng Ninh. Từ đó, Quảng Ninh cho thấy thành khát vọng mãnh liệt của mình với phát triển bền vững.
Bằng sự quyết liệt, chủ động, một loạt dòng vốn đầu tư xanh, công trình hạ tầng được xây mới, các khu kinh tế được hình thành…, điều này đã chứng tỏ việc chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh” ở Quảng Ninh từng là việc khó có thể thực hiện nhưng giờ đã thành hiện thực.
PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhấn mạnh: "Bằng những hành động quyết liệt đã được thực hiện, Quảng Ninh trở thành hình mẫu phát triển quốc gia cho hành trình chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh"”.
Kinh tế xanh tạo đột phá tăng trưởng kinh tế
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công trong quá trình chuyển đổi “nâu” sang xanh của Quảng Ninh là kéo doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công cuộc kiến tạo diện mạo tỉnh.
Có thể thấy, “bên cạnh sự thay đổi tư duy là sự can đảm, “liều mạng”, dám chấp nhận rủi ro. Điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – Cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam hình thành như mở ra một cơ chế mới, đó là tư nhân làm sân bay vẫn đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao và giá trị đẳng cấp. Trong tiến trình đổi mới của Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như một “ngòi nổ”, là biểu tượng cho sự trỗi dậy của tỉnh”, vị chuyên gia này cho biết.
Để thu hút dòng vốn đầu tư xanh, Quảng Ninh đã đầu tư mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Mới đây nhất, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gần 13.000 tỷ đồng đã chính thức được vận hành, tạo ra cú thay đổi ngoạn mục cho hệ thống hạ tầng không - thuỷ - bộ tại Quảng Ninh. Tuyến cao tốc này đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có chiều dài km cao tốc lớn nhất cả nước và mang lại hiệu ứng đặc biệt cho thu hút đầu tư.
Có thể thấy, phương thức lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao đã giúp Quảng Ninh huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế. Từ đó, việc hợp tác công tư đã giải quyết bài toán khó về vốn cho tỉnh, đồng thời giúp Quảng Ninh sớm tăng tốc trên chặng đường cán đích kinh tế xanh.
Sau 12 năm chuyển “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã có một diện mạo hoàn toàn mới, trở thành điểm của dòng vốn FDI thế hệ mới. Giai đoạn 2011-2022, Quảng Ninh luôn thuộc nhóm địa phương thu hút FDI hàng đầu cả nước. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh thu hút hơn 3 tỷ USD vốn FDI, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong dòng vốn FDI chảy vào tỉnh, Quảng Ninh luôn tập trung chọn lọc nguồn vốn thế hệ mới vào các KCN, KKT, trọng điểm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Móng Cái. Tỉnh ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách.
Nhìn lại cả chặng đường chuyển đổi, Quảng Ninh đã thực sự thay da đổi thịt. Giai đoạn 2011-2022, tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP của Quảng Ninh giảm dần từ 59% (2011) xuống dưới 17% (2022).
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, đạt trên 10% trong giai đoạn 2015-2022. Đặc biệt, GRDP bình quân của Quảng Ninh tăng hơn 4 lần kể từ khi chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, đạt 8.300 USD năm 2022, xếp thứ 2 cả nước trong khi đạt khoảng 2.000 năm 2011. Từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh luôn giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tóm lại, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ nâu sang xanh, cải cách hành chính và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đã trở thành chìa khóa đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” do Trang tin kinh tế tài chính CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, cùng sự đồng hành về chuyên môn của các đơn vị quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các đơn vị tư vấn, và sự hỗ trợ về tổ chức của các doanh nghiệp: ACB, Manulife, Masan Group, XanhSM, HSBC Việt Nam, SHB, Gamuda, T&T Group và Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling).
- Thời gian: 8h00-11h30 thứ Tư ngày 22/11/2023
- Địa điểm: Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.
-Điều hành Diễn đàn Hội thảo: TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; và Ông Phạm Hải Âu - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro của PwC Việt Nam.
Mọi thông tin liên quan đến Hội thảo xin vui lòng liên hệ email: info@cafef.vn