Nga dịch chuyển lực lượng khỏi Syria
Từ khi cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ vào đầu tháng 12/2024, Nga đã thực hiện nhiều chuyến bay đến một căn cứ không quân ở vùng sa mạc Libya, nhằm duy trì sự hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải.
Theo CNN, kể từ giữa tháng 12, mỗi ngày có hơn một chuyến bay bằng vận tải cơ khổng lồ Antonov AN-124 hoặc Ilyushin IL-76 từ Hmeimim (Syria) đến al-Khadim, một căn cứ gần Benghazi ở miền đông Libya.
Các quan chức Mỹ cho biết, Nga đã bắt đầu rút một lượng lớn thiết bị quân sự và quân đội khỏi Syria. Thiết bị được chuyển giao có thể bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.
Jalel Harchaoui, chuyên gia nghiên cứu về Bắc Phi tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nói với CNN rằng đã có "sự gia tăng không thể phủ nhận về số lượng máy bay Nga hạ cánh xuống Libya từ Syria, Nga và Belarus" trong những tuần gần đây.
Căn cứ không quân Hmeimim là trung tâm duy trì các hoạt động quân sự của Nga ở Châu Phi.
Ông Harchaoui cho rằng, bằng cách tăng cường sự hiện diện ở Libya, Moscow có thể duy trì năng lực để theo đuổi tham vọng quân sự rộng lớn hơn ở phía nam châu Phi.
Báo cáo của dự án Critical Threats của Viện Doanh nghiệp Mỹ nói rằng, các chuyến bay của Nga tới Bamako (Mali) qua Libya chứng tỏ rằng Nga đã chuyển sang Libya như một giải pháp thay thế cho các căn cứ tại Syria.
Các chuyến bay này không phù hợp với mô hình luân chuyển trước đây của Quân đoàn Châu Phi Nga đến Bamako, báo cáo cho biết thêm.
Nga đã có chỗ đứng tại căn cứ al-Khadim trong nhiều năm, đồng thời cung cấp lính đánh thuê và vũ khí để hỗ trợ tướng Khalifa Haftar, người kiểm soát phần lớn miền đông Libya.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov đã có nhiều chuyến thăm tới Libya để củng cố mối quan hệ với tướng Haftar trong hai năm qua.
Mối quan hệ đó có thể sẽ sâu sắc hơn nếu hải quân Nga tiếp quản một cảng do tướng Haftar kiểm soát thay thế cho căn cứ hải quân Tartus ở Syria.
NATO lo ngại
Viễn cảnh kể trên không được đón nhận nồng nhiệt bởi 32 nước NATO. Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto nói với tờ La Repubblica rằng, "các tàu và tàu ngầm của Nga ở Địa Trung Hải luôn là mối lo ngại và thậm chí còn đáng lo ngại hơn nếu thay vì cách xa 1.000 km, chúng chỉ cách chúng ta hai bước chân".
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà một tuần trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Italia, tướng Luciano Portolano, đã đến thăm Tripoli – nơi do các lực lượng đối lập của tướng Haftar kiểm soát.
Theo một quan chức cấp cao của NATO, liên minh phòng thủ gồm 32 thành viên đang theo dõi hoạt động ở hai cảng là Tobruk và Benghazi tại Libya.
Chuyên gia Harchaoui cho hay Nga vẫn chưa triển khai tàu chiến tới Tobruk, nếu không có thể khiến NATO phải huy động quân sớm.
An An