Câu chuyện mẹ bầu 25 tuổi, quê Bắc Giang, đang mang thai 29 tuần, “bế bụng bầu” tham gia giải chạy Marathon đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Được biết, thai phụ này đã hoàn thành chặng đường 5km trong vòng gần 41 phút, về đích với nụ cười rạng rỡ. Bản thân cô từng tham gia nhiều giải chạy và giành được thành tích tốt. Mẹ bầu này tốt nghiệp ngành Y và từng công tác trong ngành Sản phụ khoa.
Ban đầu, cô không định chạy vì bụng đã khá to. Sau khi tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm, mẹ bầu quyết định chạy và xem đây là cách để lưu lại kỷ niệm cùng gia đình nhỏ của mình. Nữ runner nói cô lắng nghe cơ thể suốt đường chạy, không ép bản thân vì thành tích và rất may mọi thứ đều tốt đẹp.
Trên MXH, câu chuyện của mẹ bầu này trở thành đề tài gây tranh cãi nảy lửa. Nhiều người dành lời khen dành cho sự khỏe khoắn, dẻo dai, tinh thần thể thao của sản phụ, đồng thời cho rằng cô đã chạy quen và nắm rõ tình hình sức khỏe của bản thân thì việc tham gia là hoàn toàn có thể.
“Với khoảng thời gian 40 phút cho quãng đường 5km thì bà bầu này cũng chỉ chạy như đi bộ nhanh thôi, quá bình thường so với những người đã có kinh nghiệm chạy. Chúc mừng bạn đã có kỷ niệm đáng nhớ”, một cư dân mạng bình luận.
Tuy nhiên, số đông lại cho rằng hành động của mẹ bầu này là quá liều lĩnh:
- “Ok! Your body your choice”, nhưng ngay trong chia sẻ của người mẹ “rất may mọi thứ đều tốt đẹp”, nghĩa là chính bạn ấy cũng không chắc chắn việc chạy này có hại cho mình và con hay không thì câu chuyện của bạn thực sự là vấn đề, nó có thể lan đi sự hiểu nhầm gây hại”.
- “Tôi thực sự thấy sự mạo hiểm của bạn. Bạn còn chạy trong ngày mưa nữa”.
- “Bạn muốn lưu lại kỷ niệm hay muốn “làm màu”?
Chuyên gia nói gì?
Thông tin trên báo Dân Trí, BSCKII Ngô Thị Hương, Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, việc chạy bộ trong thai kỳ hoàn toàn không bị cấm song cần phải được thực hiện đúng cách và được sự theo dõi sát sao của các chuyên gia y tế.
Theo BS Hương, chạy bộ giúp thai phụ duy trì sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và cải thiện tâm trạng nhưng mức độ tập luyện cần được điều chỉnh phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người. Quan trọng là người mẹ phải hiểu rõ giới hạn của bản thân và không cố gắng vượt qua sức mình.
BS Hương nói thêm, một số rủi ro có thể xảy ra khi sản phụ chạy bộ gồm: Nguy cơ té ngã, tăng áp lực lên cơ và khớp, dẫn đến chấn thương hoặc ảnh hưởng tới thai nhi hoặc các biến chứng như: co thắt tử cung, sinh non, các vấn đề tim mạch,...
Phụ nữ có thai khi muốn tham gia chạy bộ cần: Tham khảo ý kiến bác sĩ; Lựa chọn giày và trang phục phù hợp; Kiểm soát cường độ tập luyện; Chú ý đến tín hiệu cơ thể; Bổ sung đủ nước và dưỡng chất.
Theo thông tin từ BTC giải chạy, họ cùng đội ngũ y tế luôn theo sát thai phụ để có những hỗ trợ kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Phú Trưởng, đại diện team y tế của giải chạy cho rằng trường hợp runner mang thai tham dự các giải chạy là phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có nhiều trường hợp mẹ bầu tham gia chạy. Vị bác sĩ nói không có gì quá nguy hiểm nếu sản phụ có sức khỏe và chạy chậm lắng nghe cơ thể.
Lam Giang