Đây là một tình huống oái oăm mà ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương gặp phải mới đây.
Cụ thể, bác sĩ Thành đỡ đẻ cho sản phụ đi đẻ được mẹ chồng 'hộ tống'. Đặc biệt, khi lên cơn đau đẻ dữ dội và kéo dài, người con dâu gào khóc nhưng mẹ chồng nhất quyết không cho con dâu dùng biện pháp giảm đau, bắt sinh tự nhiên vì sợ ảnh hưởng đến đứa cháu.
Thậm chí, bà còn mắng con dâu rằng phải biết chịu đau một chút, hy sinh một chút để không ảnh hưởng đến cháu của bà. Bà cho rằng ngày xưa bà cũng đau đẻ suốt có bị làm sao đâu mà bây giờ cứ phải đòi làm giảm đau trong đẻ.
Trước tình huống trên, bác sĩ Thành đã động viên sản phụ và mời cả mẹ chồng vào phòng để giải thích.
Theo bác sĩ Thành, việc giảm đau khi sinh sẽ giúp thai phụ vượt cạn nhẹ nhàng, đỡ đau và mau hồi phục. Khi ấy, hệ thống cơ sàn chậu mềm, thư giãn hơn, từ đó cuộc đỡ đẻ thuận lợi, cháu bé cũng đỡ bị co bóp, chèn ép, đẻ ra khỏe mạnh, ít bị suy thai.
"Gia đình yên tâm rằng dùng thuốc giảm đau khi đẻ không gây hại cho cả mẹ lẫn con. Đây không phải là câu chuyện mẹ phải cố gắng hy sinh vì con nên không làm giảm đau trong đẻ. Cuối cùng mẹ chồng đã để con dâu dùng biện pháp giảm đau, sau đó mẹ tròn con vuông nhanh chóng", bác sĩ Thành cho hay.
Đây không phải một trường hợp duy nhất. Thực tế, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có 10 sản phụ thì các bác sĩ cũng động viên 8 - 9 trường hợp dùng giảm đau trong đẻ để cuộc chuyển dạ diễn ra thuận lợi, mẹ tròn con vuông.
BS Thành khẳng định việc người nhà không cho sản phụ dùng thuốc giảm đau trong đẻ vì sợ ảnh hưởng đến trẻ là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi vì phương pháp giảm đau trong đẻ vừa hiệu quả, vừa an toàn với sản phụ và thai nhi. Bên cạnh đó, nhiều người e ngại việc gây tê ngoài màng cứng khi sinh vì sợ rằng, sẽ khiến sản phụ bị đau lưng về sau này cũng là suy nghĩ không đúng.
Hiện nay có nhiều phương pháp làm giảm đau khi sinh được các bác sĩ lựa chọn bao gồm: Thuốc giảm đau toàn thân, gây tê từng vùng, gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống.
Ví dụ như phương pháp gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật giảm đau được sử dụng phổ biến hiện nay sẽ giúp giảm cơn đau cho quá trình người mẹ bị co thắt tử cung để chuyển dạ.
Bác sĩ sẽ đặt một ống thông rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng ở vị trí ngang thắt lưng. Ống thông này sẽ được lưu lại để cung cấp thuốc tê có nồng độ thấp trong suốt quá trình chuyển dạ giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn mà vẫn duy trì mọi vận động của sản phụ một cách bình thường.
Nếu trong quá trình sinh đẻ có chỉ định cắt may tầng sinh môn, sản phụ cũng không đau hoàn toàn với điều kiện là bác sĩ sẽ cho thêm một liều thuốc tê nhiều hơn một chút.
Sau 10 - 20 phút gây tê ngoài màng cứng, thuốc tê bắt đầu có tác dụng giảm đau cho sản phụ. Sau khi được gây tê sản phụ sẽ cảm thấy ít đau hoặc không hề đau.
"Khi làm giảm đau trong đẻ sẽ giúp người phụ nữ đỡ đau nhiều hơn, hệ thống cơ sàn chậu mềm, thư giãn, cuộc đỡ đẻ thuận lợi, cháu bé cũng đỡ bị đau, co bóp", BS Thành phân tích.
Theo BS Thành, xưa kia phụ nữ sinh con mà không cần thuốc giảm đau hay thuốc làm tăng tốc độ chuyển dạ vì vẫn còn kém hiệu quả, khó tiếp cận và các quan điểm cũ.
Tuy nhiên ngày nay, nhiều loại thuốc và công cụ được sử dụng để theo dõi những gì đang xảy ra với cả mẹ và con. Điều này cho phép bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc một cách an toàn.
"Có tới 70% phụ nữ cảm thấy cơn đau đẻ vượt ngưỡng chịu đựng. Những cơn đau xảy ra trong lúc chuyển dạ sẽ khiến mẹ bầu đau đớn, vật vã, thậm chí là gào thét, khóc lóc… nên rất dễ dẫn đến kiệt sức.
Mức độ đau sẽ tăng dần từ lúc mẹ bầu bắt đầu có những cơn đau báo hiệu chuyển dạ cho đến lúc sinh. Việc áp dụng biện pháp giảm đau khi sinh không chỉ làm cho mẹ bầu giảm cảm giác đau khi chuyển dạ mà còn giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau cuộc vượt cạn", BS Thành nhắn nhủ.
PN (Nguoiduatin.vn)