Mặc dù Iran phụ thuộc nhiều vào các hệ thống phòng không trên bộ, nhưng quốc gia này cũng đang sở hữu rất nhiều mẫu máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo, cùng với một phi đội máy bay chiến đấu để tăng cường khả năng phòng không. Trong số này, MiG-29 có nguồn gốc từ Liên Xô được xem là một phần không thể thiếu trong chiến lược phòng thủ của Tehran, với hai phi đội gồm khoảng 35 máy bay. Việc hiểu vai trò và chức năng của các máy bay chiến đấu này là rất quan trọng, khi đánh giá năng lực bảo vệ thủ đô của Iran trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.
Hành trình của Không quân Iran bắt nguồn từ những thay đổi sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Mối quan hệ giữa Iran với Liên Xô thay đổi 180 độ. Sự ấm lên về ngoại giao cho phép Iran đạt được những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ quân sự, nhờ nguồn vũ khí của Liên Xô, trong đó có MiG-29.
MiG-29 của Iran
Chỉ trong vài năm, Iran đã tăng cường đáng kể sức mạnh trên không của mình bằng cách mua cả phi đội MiG-29 và một phi đội máy bay tấn công Su-24M. MiG-29 có tốc độ tối đa là 2.400 km/giờ và bán kính hoạt động khoảng 1.500 km, cho phép Không quân Iran thực hiện các chuyến bay tầm xa hiệu quả và phản ứng nhanh với các mối đe dọa.
Ngoài ra, máy bay được trang bị hai động cơ RD-33, mang lại khả năng cơ động tuyệt vời. MiG-29 có tải trọng khá ấn tượng, máy bay có thể mang theo nhiều loại vũ khí bao gồm tên lửa không đối không R-73 và R-27.
Mặc dù các đặc điểm kỹ thuật của MiG-29 mang lại lợi thế cho Iran trước các quốc gia trong khu vực, nhưng theo thời gian những công nghệ trên máy bay đang dần lỗi thời. Đáng chú ý là hệ thống dẫn đường và liên lạc trên MiG-29 Iran chưa được hiện đại hóa lần nào kể từ khi sản xuất.
Ngoài ra, so với các thế hệ máy bay chiến đấu mới như F-35 của Israel, MiG-29 bị hạn chế về công nghệ radar và khả năng trinh sát. Tuy nhiên, MiG-29 vẫn là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Iran nhằm bảo vệ không phận của mình, đặc biệt là trong bối cảnh các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Israel và Mỹ.
Lần đầu tiên được giới thiệu với Không quân Liên Xô vào năm 1982, MiG-29 đã dần trở thành một thành phần quan trọng trong Quân đội Liên Xô. MiG-29 cũng được xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Triều Tiên và Syria.
MiG-29 được phân loại là máy bay chiến đấu hạng trung, với kích thước và khả năng chiến đấu được xếp trong khoảng giữa F-16 và F-15 của Mỹ. Một lợi thế độc đáo của MiG-29 là khả năng cất cánh từ các sân bay dã chiến, đây là một điểm cộng lớn đối với các quốc gia có cơ sở hạ tầng hạn chế.
Sự thay đổi thực sự đối với MiG-29 là được tích hợp tên lửa không đối không R-73. Loại tên lửa tầm xa này giúp tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của MiG-29, cho phép nó tấn công kẻ thù ở ngoài tầm nhìn với độ chính xác đáng kinh ngạc.
MiG-29 có còn hiệu quả?
Bất chấp những lợi thế ban đầu, cục diện địa chính trị đã thay đổi mạnh mẽ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Sự tan rã này không chỉ ngăn chặn các hoạt động mua sắm tiếp theo của Iran mà còn hạn chế quốc gia này tiếp cận các phiên bản tiên tiến của MiG-29 và các máy bay chiến đấu hiện đại khác của Nga, như MiG-31 và Su-27.
Khác với chính sách cởi mở của Liên Xô về việc bán vũ khí, nước Nga hậu Xô Viết dễ bị ảnh hưởng bởi phương Tây, dẫn đến việc hủy bỏ nhiều thỏa thuận tiềm năng với Iran. Kết quả là, lực lượng không quân Iran tụt hậu về mặt công nghệ khi bước vào thế kỷ 21.
Trong bối cảnh hiện nay, MiG-29 của Iran vẫn được đánh giá là vượt trội hơn nhiều loại máy bay chiến đấu phương Tây về hiệu suất bay cơ bản, nhưng hệ thống vũ khí và thiết bị điện tử hàng không của chúng phần lớn đã lỗi thời. Tuy nhiên, MiG-29 vẫn tiếp tục đóng vai trò thiết yếu trong chiến lược phòng không của Iran.
Sự tồn tại của MiG-29 sẽ buộc các lực lượng thù địch gặp khó trong việc tiến hành ném bom vào Iran. Điều thú vị là phi đội F-15 từ thời Chiến tranh Lạnh của Israel, cũng đang gặp phải những hạn chế tương tự như MiG-29 của Iran, điều này tạo ra một môi trường chiến thuật đặc biệt. Tên lửa R-73 mang lại cho MiG-29 của Iran lợi thế chiến lược trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là chống lại các mẫu máy bay chiến đấu cũ của phương Tây.
Tóm lại, mặc dù MiG-29 của Iran đã lạc hậu rất nhiều, nhưng chúng lại rất quan trọng đối với chiến lược phòng thủ của Iran. Khi căng thẳng khu vực vẫn tiếp diễn, MiG-29 của Iran đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng.
Quang Hưng