Lực lượng vũ trang Nga đã bắt đầu sử dụng những chiếc máy bay đánh chặn MiG-31BM mới nhất để tuần tra và đánh chặn trên không. Chiếc máy bay này đã được chuyển đổi thành chiến đấu cơ đa năng và được trang bị tên lửa không đối không tầm xa R-37. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với máy bay chiến đấu F-16 trên bầu trời Ukraine.
Truyền thông phương Tây gọi MiG-31 là "ma tốc độ". Các nhà phân tích quân sự cũng đồng ý rằng, loại máy bay chiến đấu này sẽ trở thành mối đe dọa chính đối với các máy bay F-16 do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Ukraine.
MiG-31BM là phiên bản hiện đại hóa của máy bay chiến đấu đánh chặn MiG-31 của Liên Xô/Nga (NATO định danh là Foxhound "Chó săn cáo"). Đây là máy bay chiến đấu đa năng, di chuyển với tốc độ cao, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng tấn công các mục tiêu trên không và dưới mặt đất ở khoảng cách xa.
Những cải tiến trên MiG-31BM
Cải tiến quan trọng của MiG-31BM là được nâng cấp radar Zaslon-AM. Sau khi được cải tiến, radar Zaslon-AM có thể phát hiện được mục tiêu trên không ở phạm vi lên đến 320 km. Radar này có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tấn công vào 6 mục tiêu trong số đó.
Cải tiến đáng chú ý tiếp theo là tăng khả năng chiến đấu, MiG-31BM có thể mang theo nhiều tên lửa không đối không tầm xa hiện đại với độ chính xác cao như R-33, R-37 và R-77, cùng với các loại tên lửa không đối đất như KH-31P, KH-58 và KH-59, giúp cho máy bay linh hoạt hơn trong các hoạt động chống lại các mục tiêu trên bộ và trên biển. Đáng chú ý, MiG-31BM có khả năng đánh chặn đồng thời 24 mục tiêu.
Về động cơ, MiG-31BM được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Soloviev D-30F6, giúp cho máy bay đạt tốc độ tối đa lên đến 3.000 km/h ở độ cao lớn và khoảng 1.500 km/h ở độ cao thấp, trần bay là 20,6 km.
Với tầm bay rộng, nhờ được tăng cường bởi các thùng nhiên liệu bổ sung và khả năng tiếp nhiên liệu trên không, cho phép MiG-31BM phản ứng nhanh với các mối đe dọa tiềm tàng ở khoảng cách rất xa, khiến MiG-31BM trở thành lựa chọn tuyệt vời để bảo vệ các vùng lãnh thổ rộng lớn.
MiG-31BM cũng được trang bị hệ thống điện tử cải tiến, với các thiết bị liên lạc mới, hệ thống dẫn đường và nhắm bắt mục tiêu, cần điều khiển HOTAS, màn hình hiển thị tinh thể lỏng đa chức năng (MFD), hệ thống máy tính tích hợp hiện đại, liên kết dữ liệu kỹ thuật số và radar mảng pha điện tử mới, giúp cải thiện khả năng phối hợp tác chiến với các máy bay khác và hệ thống chỉ huy mặt đất. Đây được cho là phiên bản máy bay đánh chặn hiệu quả nhất của MiG-31.
Theo truyền thông Nga, MiG-31BM là một trong số ít máy bay chiến đấu của nước này có thể đánh chặn và bắn hạ tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp.
Vai trò quan trọng của MiG-31BM
Nhiệm vụ chính của MiG-31BM là tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hành trình và các mục tiêu trên không có tốc độ cao. Khả năng thực hiện được nhiều nhiệm vụ còn cho phép MiG-31BM tiến hành chế áp phòng không và thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất, khiến nó linh hoạt hơn so với các phiên bản trước của máy bay.
Máy bay MiG-31BM sẽ hoạt động như một thành phần quan trọng trong hệ thống phòng không toàn diện của Nga, nó có khả năng bao phủ những vùng lãnh thổ rộng lớn.
MiG-31BM có thể hoạt động trong điều kiện chiến đấu cường độ cao và được đánh giá là hiệu quả trong việc chống lại các mối đe dọa trên không trong môi trường hiện đại, chẳng hạn như máy bay tàng hình hoặc tên lửa siêu thanh.
MiG-31BM là phương tiện không thể thiếu trong hệ thống phòng không hiện đại của Nga. Việc hiện đại hóa giúp cho máy bay không chỉ hiệu quả với các mục tiêu trên không thông thường mà còn với các mối đe dọa phức tạp hơn trong tương lai.
Theo Army Recognition, MiG-31BM đã thể hiện được vai trò nổi bật trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, vì hiện tại máy bay đã được trang bị tên lửa R-37M có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 300 km. Khả năng tầm xa này cho phép MiG-31BM có thể đánh chặn thành công máy bay của đối phương, ngay cả những chiến đấu cơ hiện đại nhất mà Ukraine đang sở hữu như F-16.
Quang Hưng