Cỏ nhọ nhồi hay còn gọi là cây cỏ mực, mặc hán liên, hạn liên thảo. Đây là loại cây mọc dại rất phổ biến tại Việt Nam. Thân cỏ nhọ nồi có màu lục hoặc đỏ tía, lá mọc đối xứng, thân và lá có nhiều lông nhỏ.
Từ xa xưa, cỏ nhọ nồi đã được người dân lấy về để chữa trị một số bệnh về tiêu hóa, vàng da hoặc dùng để hạ sốt,... Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Pakistan Journal of Pharmaceutical Sciences vào năm 2013, trong cỏ nhọ nồi có các hoạt chất alkaloid, coumestan, flavonoid, polyacetylene, thiophene, triterpene saponinvà glycoside.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật đã chỉ ra hàng loạt các lợi ích của cỏ nhọ nồi như sau:
Được ví là ‘cỏ bổ gan’
Một nghiên cứu đăng tải trên International Scholarly Research Notices vào năm 2014 cho biết, trong y học dân gian, cỏ nhọ nồi được sử dụng như một loại thuốc bổ gan nhờ vào các đặc tính bảo vệ gan. Theo đó, các thành phần có trong cỏ nhọ nồi giúp loại bỏ độc tố, hỗ trợ bài tiết dịch mật và duy trì chức năng gan.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chiết xuất cỏ nhọ nồi có thể bảo vệ gan khỏi tổn thương do các chất độc, rượu và một số loại thuốc.
Theo nền y học dân gian của Ấn Độ - Ayurvedic, cỏ nhọ nồi là một trong những phương pháp chữa bệnh xơ gan hiệu quả.
Các tác dụng khác của cỏ nhọ nồi
Hạ huyết áp
Cỏ nhọ nồi mọc hoang rất nhiều ở Việt Nam (Ảnh minh họa)
Cỏ nhọ nồi được cho là có tác dụng hạ huyết áp. Một nghiên cứu nhỏ ở những nam giới từ 45-55 tuổi bị tăng huyết áp nhẹ cho thấy cỏ nhọ nồi có tác dụng hạ huyết áp. Nghiên cứu này được đăng tải trên Journal of Medicinal Food vào năm 2007.
Giảm mỡ máu
Nghiên cứu ở trên cũng cho thấy cỏ nhọ nồi có tác động tới mức mỡ máu của những người tham gia nghiên cứu. Theo đó, cỏ nhọ nồi có thể hạ cholesterol toàn phần, các cholesterol ‘xấu’ và triglyceride (chất béo trung tính).
Ngăn ngừa rụng tóc
Một nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy cỏ nhọ nồi có tác dụng thúc đẩy mọc tóc, ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm và rụng tóc. Các hợp chất như wedelolactone và ecliptasaponin có trong cỏ nhọ nồi giúp cải thiện lưu thông máu đến da đầu, giúp tăng cường cung cấp chất dinh dưỡng đến chân tóc.
Ngoài ra, tinh dầu nhọ nồi cũng được sử dụng giúp tóc bóng mượt hơn.
Làm lành vết thương
Nghiên cứu trên cũng cho thấy đặc tính chống viêm của cỏ nhọ nồi có tác dụng giảm viêm, làm dịu da, thúc đẩy quá trình lành vết thương trên da. Cỏ nhọ nồi có thể sử dụng tại chỗ dưới dạng kem, thuốc mỡ hoặc đắp trực tiếp lên da.
Ngoài ra, đặc tính chống oxy hóa của cỏ nhọ nồi cũng giúp chống lại các gốc tự do, từ đó góp phần chống lão hóa da cũng như các tổn thương khác trên da.
Cỏ nhọ nồi (Ảnh minh họa)
Tăng cường miễn dịch
Cỏ nhọ nồi có các hoạt chất giúp tăng cường miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy các hoạt chất này hỗ trợ tăng cường hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể, tăng cường phản ứng miễn dịch và chống lại nhiễm trùng.
Đặc tính chống viêm của cỏ nhọ nồi cũng giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn bằng cách giảm viêm, ngăn ngừa các bệnh liên quan tới viêm mạn tính.
Hỗ trợ điều trị một số bệnh về tiêu hóa
Cỏ nhọ nồi vốn được biết tới với các công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa. Theo đó, nhọ nồi giúp giảm các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, hỗ trợ điều trị bệnh viêm dạ dày, trào ngược dạ dày và táo bón.
Lưu ý khi sử dụng cỏ nhọ nồi
Mặc dù được chứng minh có nhiều tác dụng dược lý tốt cho sức khỏe nhưng các nghiên cứu về cỏ nhọ nồi hầu như được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu trên người và quy mô lớn hơn để khẳng định các tác dụng của cỏ nhọ nồi.
Những người đang sử dụng thuốc hạ huyết áp, mỡ máu, tiết niệu nên thận trọng khi sử dụng cỏ nhọ nồi. Tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng.
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng cỏ nhọ nồi đó là buồn nôn, tiểu nhiều, thay đổi thị lực.
Ngoài ra, khi dùng cỏ nhọ nồi, cần lấy cây ở nơi sạch sẽ, không bị ô nhiễm nguồn nước, không khí hoặc các chất diệt cỏ.