Hôm 23/3, CEO TikTok Shou Chew đã phải đối mặt với câu hỏi trong phiên điều trần với các nhà lập pháp Mỹ - những người đã nhiều lần cắt ngang nỗ lực trả lời của ông. Giới chức Mỹ đang tìm cách buộc công ty mẹ ByteDance của TikTok phải bán cổ phần hoặc chặn hoạt động của ứng dụng tại nước này.
Chưa đầy một ngày sau phiên điều trần, Pháp đã cấm “các ứng dụng giải trí” bao gồm cả TikTok khỏi điện thoại di động của công chức, trở thành biện pháp hạn chế mới nhất của chính phủ.
Dưới đây là danh sách các quốc gia và tổ chức đã chuyển sang chặn TikTok:
Mỹ
Ngày 15/12: Thượng viện nhất trí bỏ phiếu cấm TikTok khỏi tất cả các điện thoại và thiết bị khác do chính phủ cấp. Dự luật bao gồm một số ngoại lệ đối với cơ quan thực thi pháp luật, các nhà nghiên cứu bảo mật và các hoạt động thu thập thông tin tình báo. Nhà Trắng và Quân đội Mỹ đã cấm ứng dụng này và các cơ quan liên bang có 30 ngày kể từ đầu tháng 3 để xóa ứng dụng này khỏi các thiết bị.
Liên minh châu Âu
Ngày 23/2: Nhân viên tại cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu được yêu cầu xóa TikTok khỏi điện thoại di động và thiết bị của họ. Nghị viện châu Âu sau đó đã ban hành một lệnh tương tự.
Canada
Ngày 27/2: Canada cấm công chức sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp, Thủ tướng Justin Trudeau nói rằng đây là “bước đầu tiên” để giữ an toàn cho người Canada.
Đan Mạch
Ngày 6/3: Bộ Quốc phòng cho biết họ sẽ cấm nhân viên sử dụng TikTok trên các thiết bị chính thức theo khuyến nghị của Trung tâm An ninh mạng quốc gia.
Bỉ
Ngày 10/3: Thủ tướng Alexander De Croo cho biết các nhân viên liên bang đã bị cấm sử dụng ứng dụng này trên điện thoại của chính phủ cấp do lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch.
Vương quốc Anh
Ngày 16/3: Quyết định cấm TikTok khỏi điện thoại của chính phủ được đưa ra sau khi đánh giá kết luận rằng “có thể có rủi ro xung quanh cách dữ liệu nhạy cảm của chính phủ được truy cập và sử dụng bởi một số nền tảng nhất định”. Thông tin được Bộ trưởng Văn phòng Nội các Oliver Dowden cho biết. Quốc hội sau đó đã cấm TikTok trên các mạng cục bộ và thiết bị của nhân viên.
New Zealand
Ngày 17/3: Các nhà lập pháp và những người làm việc khác trong quốc hội của quốc gia bị cấm sử dụng ứng dụng này trên điện thoại của chính phủ, theo khuyến nghị của các chuyên gia an ninh mạng của chính phủ.
Na Uy
Ngày 21/3: Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl khuyên các công chức xóa ứng dụng nhắn tin TikTok và Telegram khỏi điện thoại của họ, với lý do rủi ro bảo mật và thông tin sai lệch.
Hà Lan
Ngày 21/3: Cùng ngày khi Na Uy yêu cầu các công chức xóa TikTok, chính phủ Hà Lan đã đưa ra khuyến nghị tương tự đối với các ứng dụng từ các quốc gia có “chương trình tấn công mạng” chống lại Hà Lan.
Pháp
Ngày 24/3: Bộ dịch vụ công Pháp cấm “các ứng dụng giải trí” bao gồm cả TikTok trên điện thoại di động của công chức. Bộ trưởng kỹ thuật số cho biết trong một tuyên bố rằng lệnh cấm cũng bao gồm các ứng dụng như Netflix và Candy Crush do không cung cấp đủ mức độ an ninh mạng.
Ba Lan
Ngày 24/3: Các cố vấn của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đang nghiên cứu đề xuất chặn TikTok trên các thiết bị được chính phủ và quốc hội sử dụng.
Thái An