Theo tờ Newsweek (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tiết lộ với tờ Financial Times (Anh) hôm 10/11 rằng nước này đang cân nhắc mua Hệ thống tên lửa tầm trung (Typhon) từ Mỹ - đồng minh hiệp ước an ninh của Manila.
"Động thái như vậy là khiêu khích và nguy hiểm, và là lựa chọn cực kỳ vô trách nhiệm đối với người dân của mình và người dân của tất cả các nước Đông Nam Á, đối với lịch sử và an ninh khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói về kế hoạch mua Typhon của Philippines trong buổi họp báo thường kỳ hôm 14/11.
Việc Manila tiếp nhận Typhon, mà Bắc Kinh coi là vũ khí tấn công chiến lược, có thể gây ra "căng thẳng và thù địch" trong khu vực, cũng như kích động xung đột địa chính trị và chạy đua vũ trang, ông Lâm tuyên bố.
Theo Newsweek, Typhon là một trong ba hệ thống tên lửa mặt đất của Quân đội Mỹ, cùng với Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW). Typhon có thể phóng hai loại tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa phòng không tiêu chuẩn 6 (SM-6) mà lực lượng hải quân Mỹ đang sử dụng.
Newsweek đưa tin, hồi tháng 4, Quân đội Mỹ đã triển khai một bệ phóng tên lửa Typhon đến phía bắc đảo Luzon ở Philippines để tập trận, đưa các mục tiêu ở miền nam và miền đông Trung Quốc, Biển Đông và Eo biển Đài Loan vào tầm ngắm của Tomahawk – loại tên lửa có tầm bắn khoảng 1.600 km.
Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) tạo thành một phần của chuỗi đảo đầu tiên - một khái niệm phòng thủ do Mỹ đưa ra, kéo dài từ Nhật Bản về phía nam. Khái niệm này nhằm mục đích tận dụng các vùng lãnh thổ đồng minh hoặc thân thiện với Washington để kiềm chế sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.
Bệ phóng tên lửa Typhon vốn được lên kế hoạch rời đi vào tháng 9, nhưng Mỹ và Philippines - là các bên tham gia hiệp ước phòng thủ chung - đã quyết định để Typhon lại quốc gia quần đảo này "vô thời hạn", cho phép lực lượng hai nước cùng nhau huấn luyện sử dụng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hôm 14/11 kêu gọi Philippines "sửa chữa sai lầm" bằng cách không mua Typhon và "ngừng đi sâu hơn vào con đường sai trái". Ông Lâm nói thêm rằng Biển Đông cần hòa bình và thịnh vượng, chứ không phải hệ thống tên lửa.
Theo Newsweek, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông đã leo thang khi những nỗ lực tiếp cận thực địa của Manila gặp phải sự thách thức ngày càng quyết liệt từ Bắc Kinh.
Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh rằng, việc triển khai Typhon ở Philippines là nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định.
"Chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo rằng chúng tôi có thể làm việc với những bên khác để duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", ông Austin nói.
Quân đội Mỹ cũng cho biết vào tháng 9 rằng, ngoài Philippines, họ còn quan tâm đến việc có một đơn vị Typhon hoạt động ở Nhật Bản - một đồng minh hiệp ước an ninh khác của Washington.
Nhà phân tích địa chính trị và cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Brian Berletic nói với hãng thông tấn Sputnik (Nga) rằng, kế hoạch của Washington triển khai loại vũ khí này tại châu Á là "một phần trong chiến lược lâu dài rộng lớn hơn nhiều của Mỹ nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc".
Theo ông Berletic, động thái này tự nó là "một phần của chiến lược toàn cầu hậu Chiến tranh Lạnh nhằm loại bỏ bất kỳ đối thủ ngang hàng hoặc gần ngang hàng nào và duy trì quyền tối cao của Mỹ trên toàn cầu".
Nhà phân tích này nói thêm rằng, Mỹ có kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa Typhon tại châu Âu cũng là "một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm bao vây và kiềm chế Nga".
Hữu Hiển