Các nguyên nhân dẫn tới đột quỵ thường là huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường. Bên cạnh đó, một số thói quen trong cuộc sống như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, lười hoạt động thể chất và chế độ ăn uống không khoa học cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc loại tai biến đáng sợ này. Thế nhưng, một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) đã tiết lộ một yếu tố ít ai ngờ tới có thể làm tăng tới 56% nguy cơ đột quỵ, đó chính là sự cô đơn. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí The Lancet.
Mối liên hệ giữa cô đơn và đột quỵ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cô đơn là một trong những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu. Tổ chức này thậm chí còn đánh giá cô đơn có tác hại đối với sức khỏe tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra cô đơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong nghiên cứu của Đại học Harvard, các nhà khoa học lần đầu xem xét tác động cụ thể của cô đơn đến nguy cơ đột quỵ theo thời gian.
Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 12.000 người chưa từng bị đột quỵ có độ tuổi từ 50 trở lên. Nghiên cứu kéo dài từ năm 2006 đến năm 2018. Theo đó, các nhà khoa học phát hiện, những người thường xuyên cảm thấy cô đơn có nguy cơ đột quỵ cao hơn 56% so với những người không gặp phải tình trạng này. Thậm chí, ở những người đã từng trải qua cô đơn nhưng cảm giác này không kéo dài, nguy cơ đột quỵ cũng thấp hơn những người thường xuyên cô đơn.
Tiến sĩ Yenee Soh của Đại học Harvard, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Sự cô đơn ngày càng được coi là mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự cô đơn có thể ảnh hưởng đáng kể tới nguy cơ đột quỵ, đặc biệt nếu trạng thái này kéo dài”.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Việc đánh giá liên tục tình trạng cô đơn có thể giúp xác định những đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao hơn, từ đó tìm ra biện pháp can thiệp để tránh những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe ở nhóm đối tượng này”.
Những triệu chứng điển hình của đột quỵ
Các triệu chứng chính của đột quỵ có thể được ghi nhớ bằng từ FAST:
F (Face - Mặt): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt. Bệnh nhân có thể bị méo miệng, một bên mặt hoặc mắt bị sụp xuống. Điều này thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười.
A (Arms - Tay): Bệnh nhân không thể nâng cả hai cánh tay và giữ lại 1 lúc hoặc cảm thấy tê, yếu một bên cánh tay.
S (Speech - Nói): Bệnh nhân nói khó, phát âm không rõ, nói bị líu lưỡi hoặc ngọng hoặc không nói được dù nhìn có vẻ tỉnh táo. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp vấn đề trong việc hiểu những gì người khác nói.
T (Time - Thời gian): Khi xuất hiện các triệu chứng trên, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Lam Chi