Tại Quảng Tây (Trung Quốc), một cư dân mạng đã chia sẻ lên mạng xã hội một đoạn video về một người đàn ông tên Lý Cường mua xe mới và tổ chức tiệc lớn. Điều đáng nói, việc đáng lẽ là chuyện vui này lại khiến anh ta bị cả làng chỉ trích. Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự chú ý và bình luận của đông đảo cư dân mạng.
Bày 30 mâm cỗ để ăn mừng mua xe
Lý Cường đã chi 100.000 NDT (khoảng 351 triệu đồng) để tậu một chiếc xe mới. Anh ta vừa vui vừa phấn khích vì cuối cùng cũng có một chiếc ô tô của riêng mình. Và anh ta cũng muốn chia sẻ niềm vui này với hàng xóm láng giềng trong làng. Thế là, anh ta thuê đầu bếp từ nhà hàng, thông báo tin vui này cho tất cả mọi người và mời họ đến dự tiệc.
Tiệc được tổ chức với 30 mâm, và dân làng cũng đến tham dự rất đông đủ. Có một điều đáng nói là, trong những dịp vui như thế này, chỉ cần được mời, ai cũng phải gửi tiền mừng. Dân làng đến dự tiệc tất nhiên cũng đã mừng tiền. Tuy nhiên, việc mừng tiền này khiến họ cảm thấy không thoải mái.
Việc mua xe tuy là chuyện vui, nhưng chưa đến mức phải tổ chức tiệc lớn. Mọi người đến dự cũng chỉ vì nể nang, cùng là người trong làng, nên phải giữ thể diện cho nhau. Dù bữa tiệc diễn ra rất náo nhiệt, nhưng trong lòng những người có mặt lại cảm thấy rất khó chịu. Thậm chí, nhiều người còn nói bóng gió về người đứng ra tổ chức: “Anh ta định gỡ gạc lại tiền mua xe đây mà, đúng là tính toán không ai bằng”. Một số người cho rằng anh đang khoe khoang sự giàu có, trong khi những người khác nhận định anh không hiểu được khó khăn của người khác.
Những lời bàn tán này cũng đến tai Lý Cường. Anh không ngờ việc tổ chức tiệc của mình lại khiến mọi người có suy nghĩ như vậy. Đây cũng là bài học cho anh trong cách đối nhân xử thế trong tương lai.
Từ xa xưa, một gia đình có việc lớn đều tổ chức tiệc mừng để mời mọi người đến chung vui. Đây là thói quen của một số địa phương ở Trung Quốc… Truyền thống “có đi có lại” này đã lưu truyền từ lâu. Những việc tổ chức cũng không thể làm tùy tiện, có thể khiến người tham dự mất thiện cảm.
Chia vui nhưng phải có giới hạn
Nhìn chung, bất cứ việc gì liên quan đến việc tổ chức tiệc tùng đều phải có lý do chính đáng. Ví dụ như đám cưới, xây nhà, con đỗ đại học, sinh con,... Đây là những việc không thể tránh khỏi, nên mọi người cũng không có gì phải phàn nàn. Nhiều người cho rằng, chủ nhà mua xe không nhất thiết phải mở tiệc. Quyết định cuối cùng vẫn tùy thuộc vào mỗi người. Nếu thực sự muốn chia sẻ tin vui với mọi người, gia chủ hoàn toàn có thể không nhận tiền mừng và mời dân làng dự tiệc miễn phí. Làm như vậy vừa chia sẻ được niềm vui, lại vừa được tiếng tốt. Còn lựa chọn của Lý Cường này lại khiến dân làng có ấn tượng rất xấu.
Mặc dù ai cũng có thể bỏ ra chút tiền mừng, nhưng nếu ai cũng làm theo cách này thì mỗi tháng phải chi bao nhiêu tiền cho việc này? Người trưởng thành không thể tránh khỏi việc giao thiệp. Những bữa ăn uống hàng ngày là chuyện nhỏ, nhưng sổ sách ghi chép tiền mừng trong những dịp trọng đại thì không thể qua loa được. Vì nó không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa hai gia đình mà còn là cơ sở để đáp lễ sau này.
Trên thực tế, câu chuyện của Lý Cường không phải là duy nhất. Ở một số nơi, “tổ chức tiệc” đã trở thành một công cụ xã hội, thậm chí là một cách trá hình để “chuộc lợi”. Vượt xa ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, việc làm này không chỉ làm tăng gánh nặng tài chính cho mọi người mà còn có thể tạo ra khoảng cách. Quan niệm chia sẻ niềm vui thuần túy vô tình bị biến thành công cụ để trao đổi lợi ích.
Trong xã hội, người coi trọng việc kiếm tiền không phải điều xấu. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ biết lợi dụng niềm tin và tình cảm của người khác để đổi lấy vật chất thì sớm muộn cái giá nhận về cũng rất đắt.
Thùy Anh (Theo Sohu)