*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Phùng Nhạc, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Bác Phùng là anh trai ruột của bố tôi. Ở tuổi 71 tuổi, bác có một cuộc sống khá vất vả. Về già, ai cũng muốn được sống an nhàn, có con cháu sum vầy, thế nhưng ngay cả điều ước đơn giản nhất đó, bác tôi cũng không có được.
“Gà trống nuôi con”
Năm anh họ tôi là Phùng Ca chào đời, bác gái mất vì sinh khó. Cứ thế, một mình bác Phùng vừa là cha, vừa là mẹ, nuôi nấng anh họ của tôi khôn lớn. Cuộc sống ở quê khó khăn, cả nhà bác tôi chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng. Cứ đến vụ mùa, bác tôi hết lo chuyện nhà xong lại chạy khắp nơi làm thuê để có tiền cho anh tôi ăn học.
Tuy vất vả là vậy nhưng bác tôi chưa để con trai thiếu thốn bất cứ điều gì. Lớn lên trong hoàn cảnh như thế, anh họ tôi cũng hiểu chuyện hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Anh ấy rất chăm học và luôn có thành tích học tập rất tốt khiến bác tôi rất vui lòng. Cứ ngỡ khi Phùng Ca trưởng thành, bác tôi sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn. Thế nhưng thực tế, đứa con trai duy nhất lại là lý do khiến cuộc sống của bác có thêm nhiều phiền muộn.
Năm Phùng Ca tốt nghiệp trường đại học ở tỉnh, anh ấy chọn làm việc ở gần nhà để có thể chăm lo cho cha của mình. Có đồng ra đồng vào, cuộc sống của cả hai đã đầy đủ và nhẹ nhàng hơn trước. Tuy nhiên, niềm vui của bác tôi chưa kéo dài được bao lâu thì giông tố đã ập tới. Đó là ngành anh họ tôi dắt chị dâu về ra mắt, cuộc sống của bác tôi cũng bắt đầu đảo lộn vì cậu trai nhu nhược, chiều vợ hơn bất cứ thứ gì.
Con cái cạn tình
Chỉ 3 tháng sau đó, anh tôi ngỏ ý muốn lập gia đình. Do chưa đủ tiền lấy vợ, bác tôi phải cắn răng bán đi mấy sào ruộng để có tiền cho con lo chuyện trọng đại. Cưới xin được 1 năm, anh tôi lại nghe vợ xúi giục muốn bán đi căn nhà cũ để lấy tiền “tậu” nhà mới, ở cho “bằng bạn bằng bè”. Biết chuyện, bác trai tôi kịch liệt phản đối, ông không đồng tình chuyện bán đi căn nhà kỷ niệm với người vợ đã khuất, đồng thời ra sức khuyên nhủ 2 con nên tu chí làm ăn để tích góp thêm, đủ tiền thì hẵng mua nhà mới.
Dẫu vậy, vợ chồng anh họ tôi chẳng những không quan tâm mà còn đẩy nhanh tiến độ bán nhà, bán hết đồ đạc trong nhà để lấy tiền rồi dọn qua bên ngoại ở tạm trước khi tìm được nhà mới. Cứ thế, bác tôi bơ vơ một mình không biết đi về đâu nên đến trú tạm ở nhà bố tôi. Khoảng 2 tuần sau đó, vợ chồng tôi quyết định đón bác về nhà mình để tiện chăm sóc. Cả đại gia đình tôi giận anh họ ra mặt nhưng không thể khuyên nhủ người anh họ này được nữa.
4 tháng sau đó, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi mời đến ăn tân gia của Phùng Ca. Hóa ra, vợ chồng anh đã tìm được một căn nhà mới ở trung tâm huyện, cách nhà cũ chỉ khoảng 2km. Sau 1 tháng sửa sang, cả hai vợ chồng họ đã chính thức dọn vào ở. Là người thân, tôi vẫn qua chúc mừng hai anh chị, tiện thể mở lời khuyên anh đón bố về chăm sóc. Bác tôi vốn tuổi cao sức yếu, nay cơ thể lại càng suy nhược vì phải trải qua cú sốc gia đình. Dù sao đi chăng nữa, tôi nghĩ bác được ở bên con cái ruột thịt vẫn sẽ tốt hơn.
Tiệc tân gia không một vị khách
Ngày hôm đó, Phùng Ca khoe với tôi rằng vợ chồng anh đã làm hẳn 40 mâm cỗ để mời họ hàng và bà con làng xóm thân thiết đến chung vui. Nhìn thấy căn nhà khang trang trước mắt, cảm xúc của tôi rất khó tả, còn ông anh họ thì sung sướng ra mắt. Tuy nhiên chỉ 10 phút sau đó, nụ cười trên môi anh chợt tắt.
Đến sát giờ hẹn, vợ chồng Phùng Ca bắt đầu cảm thấy sốt ruột khi không thấy bóng dáng một vị khách nào. Bàn tiệc đã dọn sẵn nhưng chỉ lác đác vài người họ hàng thân thích bên ngoại có mặt. Ngỡ mọi người bận việc nên đến muộn, chị dâu tôi còn kiểm tra danh sách và gọi điện cho từng người một để hỏi thăm nhưng ngạc nhiên thay, chẳng ai bắt máy.
Đến lúc này, hai vợ chồng anh họ mới thực sự sụp đổ. Anh tôi trưng ra vẻ mặt hoang mang không hiểu tại sao, còn chị dâu thì bắt đầu khóc lóc. Lúc đó, tôi mới bước lại và bắt đầu nói chuyện nghiêm túc với cả hai người.
Thực ra, chuyện không một vị khách nào tham gia buổi tiệc tân gia của họ tôi đã đoán trước. Nguyên nhân cho sự vắng mặt đó chính là vì sự bất hiếu của vợ chồng anh họ tôi. Ngày anh chị hắt hủi, bỏ rơi bố của mình, cả làng chúng tôi đều biết chuyện và vô cùng bất bình với cách hành xử đó. Thậm chí, có người còn vô cùng tức giận và cảm thấy đau đớn thay cho bác tôi - người dành cả cuộc đời cho con cái để rồi khi tuổi già sức yếu lại bị chính đứa con mình xa lánh, hắt hủi. Vì vậy, ai cũng coi thường và chẳng muốn liên quan gì đến 2 người này nữa.
Biết được lý do, vợ chồng anh họ tôi lặng người một lúc, chẳng ai nói với ai câu nào. Một lúc sau, Phùng Ca lên tiếng muốn nói chuyện riêng với tôi. Anh ấy bảo rằng cả hai vợ chồng họ đã nhận ra lỗi và cảm thấy xấu hổ trước những điều tồi tệ đã làm với bố ruột. Để sửa sai, họ muốn mấy ngày sau sẽ qua nhà tôi đón bố về chăm sóc và phụng dưỡng. Nghe anh họ nói vậy, tôi cũng an tâm ra về.
Quả đúng như lời hứa, vài ngày sau đó, vợ chồng Phùng Ca qua nhà tôi đón bác tôi về. Trong căn nhà mới, họ dành cho bác tôi một căn phòng nhỏ ở tầng 1 để tiện đi lại. Sau chuyện đã xảy ra, chị dâu tôi cũng niềm nở hơn với bố chồng. Ngày nào, chị cũng tự tay đi chợ, xuống bếp nấu những món ăn tẩm bổ cho ông. Dân làng khi biết chuyện thì cũng tỏ ra nghi ngờ, tuy nhiên sau khi thấy bác tôi khỏe mạnh, vui vẻ hơn sau một tháng về ở cùng các con, họ đã lấy lại thiện cảm với hai người họ.
Sự việc xảy ra tuy đáng buồn nhưng cũng là một bài học đắt giá và đáng nhớ với anh chị của tôi. Còn với những người vẫn đang không biết trân trọng và yêu thương cha mẹ của chính mình, có lẽ rồi cuộc đời cũng sẽ dành cho họ những bài học tương tự để một ngày nào đó, họ cũng biết được cách trân quý những người và những gì họ đang có.
(Theo Toutiao)