Uống trà là thói quen hàng ngày được nhiều người ưa thích, đặc biệt là người cao tuổi. Không chỉ thơm ngon, trà xanh còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia khoa học, trong trà có chứa polyphenol, caffeine, flo và các chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp giảm thiểu sự phát triển của gốc tự do, từ đó ngăn ngừa nhiều loại bệnh mãn tính như tim mạch hay một số loại ung thư.
Theo Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), uống trà hàng ngày có thể giảm nguy cơ tử vong sớm, nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2. Ngoài ra, chất florua trong trà có thể giúp răng chắc khỏe và ngăn ngừa sâu răng khi sử dụng ở mức độ vừa phải.
Các nhà khoa học của Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu kéo dài gần 4 năm, từ đó chỉ ra những người uống trà thường xuyên có tốc độ lão hoá sinh học chậm hơn, tỷ lệ tử vong thấp hơn. Những người này cũng ít có khả năng gặp phải các triệu chứng mất ngủ và lo âu.
Chưa hết, trà xanh còn có công dụng ngăn ngừa bệnh Parkinson. Điều này đã được các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra. Theo đó, một cuộc khảo sát trên 63.000 người Singapore gốc Hoa trong tuổi từ 45-75 đã được thực hiện trong 12 năm. Kết quả của nghiên cứu gây bất ngờ khi chỉ ra rằng những người trung niên và cao tuổi thường xuyên uống trà có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn 71%.
Nên uống bao nhiêu ml trà mỗi ngày?
Trà xanh là một loại thức uống có ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc uống trà có tốt hay không phụ thuộc vào tần suất và lượng trà tiêu thụ mỗi ngày. Các chuyên gia khuyến nghị một người trưởng thành chỉ nên uống từ 2 -4 tách trà mỗi ngày (tương đương khoảng 500 - 600 ml nước trà xanh).
Theo nhiều nghiên cứu, người ta cho rằng người trưởng thành nên uống tổng cộng từ 6-8 gram trà mỗi ngày. Nếu mỗi lần pha trà sử dụng 200ml nước, thì tổng cộng 3 đến 4 lần pha sẽ rơi vào khoảng 600ml.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người uống quá nhiều trà?
Mặc dù trà mang đến nhiều lợi ích về mặt sức khỏe nhưng nhìn từ góc độ khoa học, việc uống quá nhiều trà cũng có thể đi kèm với những rủi ro nhất định. Dưới đây là những vấn đề mà một người có thể gặp phải khi tiêu thụ quá nhiều nước trà:
Đầu tiên, việc uống quá nhiều trà đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều caffeine, từ đó gây mất ngủ, tim đập nhanh hoặc lo lắng. Ngoài ra, trong thành phần của trà thường chứa các hợp chất tanin. Việc hấp thụ quá nhiều tanin có thể tương tác với sắt và gây hiện tượng hấp thụ sắt bị trì hoãn trong cơ thể, đặc biệt không tốt cho những người bị thiếu máu.
Thói quen uống trà quá thường xuyên còn có nguy cơ gây buồn nôn và ợ nóng, đặc biệt là khi uống trà lúc bụng đói. Cụ thể, tanin trong trà sẽ tác động mạnh đến hệ tiêu hóa, dẫn đến triệu chứng đau dạ dày hay nôn mửa. Hơn nữa, caffeine từ trà đi vào cơ thể còn có thể làm tăng tình trạng trào ngược axit. Khi đó, các cơn co thắt trong dạ dày thường xuyên xảy ra và thực quản thường ở trạng thái không còn căng cứng, dẫn đến việc dịch tiết dạ dày dễ dàng bị đẩy lên.
Lưu ý khi uống trà
Ngoài việc không uống quá nhiều trà mỗi ngày, mọi người cũng cần ghi nhớ một số lưu ý khi thưởng thức loại nước uống này như:
- Không nên ngay sau bữa ăn và trước khi đi ngủ vì có thể ảnh hưởng đến một số hoạt động của các cơ quan cơ thể và gây mất ngủ.
- Không uống trà khi bụng đói vì axit tannic có trong trà có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm gia tăng tiết axit dạ dày, dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đau bụng, buồn nôn, chóng mặt.
- Nên sử dụng nước nóng vừa phải khi uống trà. Việc uống trà quá nóng có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
- Lựa chọn các loại trà xanh chất lượng, uy tín và được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Không uống trà cùng với rượu do có thể gây ra tác động phụ như chóng mặt, đau đầu và nhịp tim tăng cao.
- Không kết hợp trà với các loại thực phẩm như: nhân sâm, gừng tươi, nghệ tươi, tỏi, ớt chuông,... vì có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Không uống nước trà để quá lâu vì có thể gây khó chịu, không tốt với người bị bệnh gout và bệnh tăng acid uric.
- Không dùng nước trà để uống thuốc vì có thể xảy ra phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu.
Khuê Hiền (Tổng hợp)