Chế tạo, sản xuất vũ khí công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại
![Nga, Mỹ, Trung Quốc thành cường quốc ở lĩnh vực này, Việt Nam sẽ làm điều chưa từng có ngay trong năm nay? - Ảnh 1.](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/1/22/img1643-17375201391911593293832.jpg)
Bộ Quốc Phòng đã chủ động nghiên cứu và phát triển nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại và tổ chức thành công những triển lãm quy mô quốc tế về Quốc phòng, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trên thế giới. Ảnh: Thiên Sơn
Bộ Quốc Phòng đang xây dựng Dự thảo và xin ý kiến các Bộ, ban ngành về Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Trong đó đáng chú ý, Nghị định này đề xuất xây dựng Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) nhằm thể chế chủ trương, đường lối của Đảng. Nếu được thông qua, Nghị định sẽ có hiệu lực từ 1/7 và sẽ là một quy định mới, lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta.
Theo Ban soạn thảo, việc lần đầu tiên đề xuất xây dựng tổ hợp CNQP là nhằm thúc đẩy nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sản xuất vật tư kỹ thuật, sản phẩm và cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất quốc phòng.
Đặc biệt, tập trung một số nhiệm vụ quan trọng như: Sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại; Nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí trang bị kỹ thuật bảo đảm sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong chiến tranh hiện đại.
Nghiên cứu, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ lưỡng dụng; chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại phục vụ phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, đặc biệt là các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.
Huy động tối đa các nguồn lực của Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm:
Xây dựng cơ chế thu hút, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược;
Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các tổ chức quốc tế...
![Nga, Mỹ, Trung Quốc thành cường quốc ở lĩnh vực này, Việt Nam sẽ làm điều chưa từng có ngay trong năm nay? - Ảnh 2.](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/1/23/quoc-phong-1737604994825610191143.jpg)
Dàn xe thiết giáp, bọc thép của Quân đội nhân dân Việt Nam trưng bày tạ triển lãm quốc tế Quốc phòng năm 2024. Ảnh: Thiên Sơn
Ngoài ra, theo Ban soạn thảo, một chức năng nhiệm vụ cũng rất quan trọng trong bối cảnh mới khi xây dựng Tổ hợp CNQP cũng nhằm Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh; chuyển giao công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước gia tăng giá trị sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh và thúc đẩy phát triển các nhóm ngành có hàm lượng công nghệ cao.
Bộ Quốc phòng cũng hướng tới việc đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; Chuyển giao công nghệ, xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng và kinh tế.
Việt Nam nghiên cứu hoạt động CNQP từ các cường quốc vũ khí như Mỹ, Trung Quốc...
Theo Bộ Quốc phòng, trên cơ sở nghiên cứu hoạt động CNQP của một số quốc gia có nền CNQP phát triển trên thế giới như Mỹ, Isreal, Trung Quốc, … nhận thấy việc xây dựng mô hình tổ hợp CNQP là xu thế phát triển chung, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia nghiên cứu, sản xuất quốc phòng, đặc biệt là nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí, hệ thống vũ khí công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại.
"Điều này đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để hình thành mô hình tổ hợp CNQP phù hợp với đặc điểm tình hình Việt Nam, sớm đi vào hoạt động trong thực tiễn", ban soạn thảo nhận định.
Trong khi đó, nhiều năm qua các hình thức liên kết, hợp tác phần nào đã phát huy hiệu quả, giúp tạo ra các sản phẩm CNQP, đặc biệt là trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, thiết bị, kỹ thuật cho Quân, Binh chủng, vũ khí tích hợp hệ thống, vũ khí thông minh, công nghệ cao; tuy nhiên, các liên kết này chủ yếu dựa trên lợi ích kinh tế, chưa có cơ chế vận hành hiệu quả, ràng buộc trách nhiệm trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm VKTBKT mới.
![son duong son duong](https://media-ds.nguoiduatin.vn/media/tran-lan-huong/2025/01/23/son-duong.png)
Bộ Quốc phòng cũng chỉ ra rằng, trên thế giới, không doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể thực hiện hoàn toàn quá trình nghiên cứu, sản xuất các hệ thống VKTBKT hiện đại. Để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm quốc phòng có tính chất phức tạp, có chứa hàm lượng công nghệ cao, hiện đại, đòi hỏi sự tham gia của số lượng lớn các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, đặt ra yêu cầu cần phải có mô hình, cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả, hình thành hệ sinh thái, trong đó các cơ sở liên kết, hợp tác chặt chẽ tạo ra chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm quốc phòng hay nói cách khác là phải hình thành các tổ hợp CNQP.
Để hình thành tổ hợp CNQP, cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, có các chính sách thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa cơ sở CNQP nòng cốt với nhau và với các cơ sở trong và ngoài quân đội, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp lớn, có tiềm lực khoa học công nghệ, tài chính mạnh vào chuỗi sản xuất CNQP; qua đó, hình thành các tổ hợp CNQP có năng lực sản xuất vượt trội, đáp ứng nhu cầu về VKTBKT trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Một trong những lý do khiến Bộ Quốc phòng cho rằng cần thiết phải xây dựng ngay một Tổ hợp CNQP quy mô lớn là do hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng.
"Xu thế hiện nay cho thấy các doanh nghiệp của khu vực dân sinh đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN) tương đối lớn mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sở hữu công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiệm cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới, đóng góp ngày càng quan trọng cho nền kinh tế quốc dân", Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
![Nga, Mỹ, Trung Quốc thành cường quốc ở lĩnh vực này, Việt Nam sẽ làm điều chưa từng có ngay trong năm nay? - Ảnh 5.](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/1/23/may-bay-17376052482041768169679.jpg)
Những năm qua các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng nghiên cứu, sản xuất nhiều loại máy may không người lái hiện đại, phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu...Ảnh: Thiên Sơn
Mỹ, Trung Quốc, Nga phát triển nền CNQP như thế nào?
Theo bản Tổng hợp Tài liệu nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp của một số nước trên thế giới được Bộ Quốc phòng công bố cho thấy các cường quốc về phát triển vũ khí như Mỹ, Trung Quốc và Nga đầu tư phát triển nền CNQP, phát triển vũ khí theo các định hướng khác nhau. Cụ thể như Mỹ thì tập trung tư nhân hóa và thị trường hóa, mạnh về công nghệ tiên tiến và liên kết quân-dân; Nga quản lý tập trung, ưu tiên doanh nghiệp nhà nước với sự kiểm soát chặt chẽ từ chính phủ; còn Trung Quốc đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng tới cân bằng vai trò giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Mô hình phát triển CNQP ở Mỹ: Mỹ phát triển theo mô hình tổ hợp CNQP với bốn nhóm chính: nhóm cơ sở (cơ quan hành chính của Bộ Quốc phòng), nhóm “chủ động” (nhà thầu, tổ chức nghiên cứu liên kết quân-sự), nhóm “thụ động” (tổ chức xã hội, văn hóa hỗ trợ), và nhóm “lãnh đạo” (nhà hoạch định chính sách).
Các nhà thầu quân sự, chủ yếu là tư nhân, thực hiện toàn bộ hoạt động sản xuất vũ khí, được chia thành nhóm nòng cốt, đa dạng, ít lệ thuộc, thị trường chung, và doanh nghiệp nhỏ.
Hệ thống quản lý nhà nước dựa trên quy trình "kế hoạch – chương trình – ngân sách" với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng thống, Quốc hội và Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng phụ trách lập kế hoạch phát triển vũ khí, soạn thảo chương trình và ngân sách quốc phòng. Quốc hội thông qua ngân sách, Tổng thống phê duyệt và giám sát.
![son duong2 son duong2](https://media-ds.nguoiduatin.vn/media/tran-lan-huong/2025/01/23/son-duong2.jpg)
Đặc điểm nổi bật của nền CNQP của Mỹ là đã xây dựng được mạng lưới các nhà thầu mạnh mẽ với hơn 38.000 công ty, trong đó 25 tập đoàn lớn nhất chiếm hơn một nửa tổng số đơn đặt hàng quân sự. Hệ thống này giúp Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng...
Mô hình tổ chức CNQP ở Nga: Nga có hệ thống quản lý CNQP tập trung, gồm các cơ quan lập pháp (Quốc hội và Tổng thống), cơ quan hành pháp (FSMTC, ROSTEC), lực lượng vũ trang và mạng lưới nghiên cứu phát triển. Tổng thống giữ vai trò chỉ đạo cao nhất, trong khi FSMTC và ROSTEC chịu trách nhiệm trực tiếp trong điều hành và giám sát ngành CNQP.
Trong đó ROSTEC giữ vai trò chi phối trong xuất khẩu quốc phòng, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp khác để định hướng sản xuất và xuất khẩu. Các lực lượng vũ trang đóng vai trò định hình yêu cầu kỹ thuật, phản hồi chất lượng và định hướng cải tiến sản phẩm.
Đặc điểm nổi bật ở mô hình CNQP này cũng giúp Nga sở hữu các doanh nghiệp CNQP lớn trực thuộc ROSTEC và Rosimushchestvo, đảm nhận việc nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu hàng đầu thế giới...
Trong khi đó tại Trung Quốc lại chú trọng tái cơ cấu CNQP, tách biệt doanh nghiệp khỏi Bộ Quốc phòng để tăng tính linh hoạt trong lập kế hoạch đầu tư, sản xuất và công nghệ. Hệ thống CNQP được cải tổ để tăng hiệu quả và khắc phục hạn chế của các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tư nhân.
Việc Quản lý Nhà nước về CNQP do Quân ủy Trung ương (QUTW) và Chính phủ (Quốc vụ viện) giữ vai trò chủ đạo. Ngân sách quốc phòng được Quốc hội phê duyệt, còn QUTW giám sát toàn bộ quá trình phát triển, sản xuất và kiểm soát chất lượng vũ khí.
CNQP Trung Quốc phát triển mạnh mẽ công nghệ lõi thông qua các cơ sở nghiên cứu trực thuộc Quân ủy Trung ương, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất...
Thiên Sơn
Bình luận tiêu biểu (0)