Đại sứ Nga: Moscow đã "bị lừa dối"
Trả lời phỏng vấn của Sky News ngày 21/11, Đại sứ Nga tại London Andrei Kelin tuyên bố: "Các vụ phóng tên lửa Storm Shadow của lực lượng Ukraine không thể tiến hành nếu không có sự hỗ trợ của quân đội NATO, hay nói cụ thể hơn là quân nhân Anh trong NATO".
Ông đồng thời cáo buộc việc chính phủ Anh cho phép Ukraine dùng tên lửa Storm Shadow tấn công Nga "là một sự lừa dối". Năm 2023, chính phủ Anh "đã cam kết rằng vũ khí của họ chỉ được sử dụng trong phạm vi biên giới Ukraine".
"Đối với quyết định để Ukraine bắn tên lửa Storm Shadow vào lãnh thổ Nga, đây rõ ràng là một sự lừa dối. Các quốc gia có trách nhiệm sẽ không hành xử như vậy".
Trước đó, trong bài phát biểu qua video tối 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận thông tin do truyền thông Anh đưa ra trước đó, về việc quân đội Ukraine phát động tấn công bằng tên lửa Storm Shadow (do Anh cung cấp) và hệ thống pháo phản lực phóng hoạt HIMARS (do Mỹ sản xuất) vào một sở chỉ huy của quân đội Nga ở tỉnh Kursk, gây thương vong.
"Tại tỉnh Kursk, cuộc tấn công đã nhắm vào một trong những sở chỉ huy của nhóm quân 'Phía Bắc'.
Đáng tiếc, cuộc tấn công và trận chiến phòng không sau đó đã gây ra thương vong, bao gồm cả trường hợp tử vong và bị thương, cho các đơn vị bảo vệ xung quanh và nhân viên hỗ trợ.
Tuy nhiên, các thành viên cốt cán trong trung tâm chỉ huy không bị thương và đang tiếp tục chỉ đạo hiệu quả các hoạt động của lực lượng Nga để đẩy lùi quân đối phương (Ukraine) ra khỏi Kursk" – Ông Putin nói.
Theo nhà báo Anh Stephen Glover, cuộc tấn công của Ukraine giờ đây đang khiến người dân Anh lo ngại.
"Chúng ta đang gặp nguy hiểm cao hơn so với 1 tuần trước" – ông Glover viết, đồng thời lưu ý, nếu Nga phóng tên lửa hạt nhân vào London thì "sẽ không có gì bắn hạ được".
Trước đó, hôm 20/11, tờ The Times (Anh) cho biết, Anh đã đề nghị Mỹ cho Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Mặc dù Storm Shadow là tên lửa của Anh, nhưng loại tên lửa này sử dụng hệ thống dẫn đường do Mỹ cung cấp. Vì vậy, Washington là bên có tiếng nói cuối cùng.
Cảnh báo về đòn hạt nhân
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Sky News, Đại sứ Kelin lưu ý, Nga khuyến cáo các nước phương Tây tiến hành phân tích kỹ lưỡng học thuyết hạt nhân mới được cập nhật của Nga "để tránh đánh giá thấp rủi ro leo thang".
"Tài liệu này đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của các cuộc xung đột hiện đại" – Nhà ngoại giao Nga lưu ý.
Học thuyết kể trên được Tổng thống Putin ký phê chuẩn vào chiều 19/11, trong đó đề cập Moscow "sẽ coi hành động xâm lược từ bất cứ quốc gia phi hạt nhân nào – nhưng có sự hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân – là cuộc tấn công chung nhằm vào Nga".
Điện Kremlin cho biết, học thuyết quân sự được sửa đổi sẽ hạ thấp ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Những thay đổi này có nghĩa "Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp phía gây hấn sử dụng vũ khí phi hạt nhân chống lại Nga hoặc Belarus".
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nêu, "Một yếu tố quan trọng trong bản sửa đổi này là nâng mức độ răn đe hạt nhân nhằm đảm bảo rằng đối thủ tiềm tàng của Nga hiểu rõ: Họ không thể tránh khỏi sự trả đũa trong trường hợp tiến hành các động thái thù địch chống lại Nga hoặc các đồng minh của Moscow."
Anh tuyên bố sẵn sàng chiến đấu chống Nga "ngay đêm nay"
Đáng lưu ý, giữa lúc căng thẳng đang gia tăng với Nga xoay quanh cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow của Ukraine, theo tờ Politico (Mỹ), Phó tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh Rob Magowan mới đây tuyên bố quân đội Anh sẵn sàng chiến đấu chống lại quân đội Nga "ngay đêm nay" nếu Moscow phát động tấn công bất cứ một quốc gia nào khác ở Đông Âu.
"Nếu quân đội Anh được yêu cầu chiến đấu đêm nay, họ sẽ tham chiến ngay" – ông Magowan phát biểu trước Ủy ban quốc phòng Hạ viện Anh. "Tôi không muốn bất cứ ai trong căn phòng này mơ hồ về việc chúng ta sẽ đối đầu ngay nếu Nga tấn công Đông Âu đêm nay".
Theo Politico, tuyên bố này của ông Magowan được đưa ra khi các nghị sĩ Anh đặt câu hỏi với ông về việc: Có bao nhiêu lữ đoàn Anh có thể tới sườn phía đông của NATO trong trường hợp Nga leo thang căng thẳng.
Quy tắc phòng thủ tập thể của NATO quy định rằng, cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên NATO được xem là cuộc tấn công vào toàn khối.
Gần đây, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đề cập tới khả năng quân đội Anh có thể triển khai tới cả Ukraine trong trường hợp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cắt giảm viện trợ cho Kiev.
Ông nhấn mạnh, chiến thắng của Nga trong cuộc xung đột Ukraine sẽ đe dọa tới an ninh châu Âu và Anh sẽ buộc phải triển khai lực lượng để bảo vệ nước này.
Song, nhiều nhà phân tích phương Tây lo ngại về năng lực quân sự của London.
Hiện tại, lực lượng trên bộ của Anh đang có quy mô nhỏ nhất kể từ thế kỷ 18 trở lại đây. Cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Anh thông báo sẽ cắt giảm 5 tàu chiến, hàng chục trực thăng quân sự và máy bay không người lái (UAV) như một phần của chương trình cắt giảm chi phí. Vương quốc Anh hiện cũng đang tiến hành Đánh giá Phòng thủ Chiến lược.
Tùng Chi