Cầu Trần Hưng Đạo
Ngắm cầu Trần Hưng Đạo của Hà Nội trong tương lai
Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh về việc triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng như Tứ Liên, Trần Hưng Đạo.
Cầu Trần Hưng Đạo có vị trí xây dựng ở giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Phía trung tâm thành phố, chân cầu dự kiến tại khu vực ngã 5 phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông. Phía Long Biên, điểm cuối tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh).
Theo phương án được lựa chọn, cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,6 km.
Theo kế hoạch, thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo trong năm 2023-2024; thi công trong giai đoạn 2025-2027, cơ bản hoàn thành trong năm 2027.
Cầu Trần Hưng Đạo được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc vòm chính là 2 đường cong tiếp xúc nhau lặp lại 6 nhịp tạo hình tượng vô cực.
hi hoàn thiện, công trình này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các khu đô thị trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô...
Cầu Tứ Liên
Ngắm cầu Tứ Liên trong tương lai
Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 557/TB-VP về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn tại cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là 19.959 tỷ đồng.
Theo đó, thống nhất về chủ trương đối với một số nội dung liên quan quy mô đầu tư, phương án kỹ thuật, công nghệ Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên theo báo cáo đề xuất của Sở Giao thông vận tải.
Cùng với đó, triển khai song song, đồng thời 2 dự án đầu tư: Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (kết nối với đường Quốc lộ 5 kéo dài/đường Trường Sa); Xây dựng đường kết nối cầu Tứ Liên (từ nút giao cầu Tứ Liên với đường Quốc lộ 5 kéo dài/đường Trường Sa) đến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải lập kế hoạch, tiến độ chi tiết triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư đối với 2 dự án đầu tư nêu trên, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo trước ngày 10/12/2024.
UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh phương án tuyến, vị trí tuyến của 2 Dự án đầu tư nêu trên, báo cáo UBND TP. Hà Nội trước ngày 15/12/2024.
Dự án cầu Tứ Liên nối 2 bờ tả hữu, tạo điều kiện phát triển khu vực thành phố phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch mới của Thủ đô, đoạn đường dẫn đầu cầu Tứ Liên sẽ nối thẳng đến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và chạm đến Vành đai 3 phía Bắc.
Theo phương án thiết kế được phê duyệt, Tứ Liên là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội. Nhịp cầu dài 1.000m, khoảng cách trụ 500m, đỉnh tháp cao 158m, chịu được động đất cấp 8. Cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới.
Thái Hà