Sau những thông điệp về khả năng hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ được công bố tuần qua, chỉ số DXY (USD Index) ngay lập tức có xu hướng giảm mạnh, giảm gần 5% trong vòng 2 tháng gần đây.
Thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ
Trong nửa đầu năm 2024, tỷ giá là vấn đề thách thức với các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND ghi nhận tăng 4,5% trong 6 tháng năm nay buộc Ngân hàng Nhà nước phải triển khai một số giải pháp để ổn định tỷ giá như hút tín phiếu, bán ngoại tệ, ổn định thị trường vàng…
Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2024, tỷ giá có xu hướng giảm dần khi đồng USD suy yếu. Đặc biệt, cuối tuần qua, Chủ tịch FED đưa ra thông điệp rõ ràng hơn về việc hạ lãi suất vào tháng 9 tới đây đã giúp chỉ số DXY tiếp tục suy giảm.
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI mới đây cho biết, chỉ số DXY ghi nhận giảm tuần thứ 3 liên tiếp và giảm tới 1,7% trong tuần trước. Các đồng tiền khác đều tăng giá mạnh so với USD như GBP (+1,4%), JPY (+1,1%), EUR (+0,8%) hay các đồng tiền trong khu vực châu Á như THB (+2,0%), KRW (+1,0%). Đáng chú ý, tính từ đầu năm tới nay, một số đồng tiền châu Á đã đảo chiều tăng giá so với USD như MYR (4,8%), SGD (1,4%), THB (+0,9%).
Trên thị trường trong nước, tương đồng với diễn biến trong khu vực, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đồng loạt hạ nhiệt đáng kể so với tuần trước đó và thu hẹp mức tăng so với cuối năm 2023 xuống chỉ còn 2,9%.
Tỷ giá liên ngân hàng đã giảm về dưới 25.000 đồng trong khi chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như không đáng kể. Cán cân thương mại duy trì thặng dư trong nửa đầu tháng 8, đưa tổng mức thặng dư từ đầu năm tới nay lên tới hơn 15 tỷ USD.
Theo giới phân tích, việc DXY giảm đang giúp cho SBV có thêm không gian chính sách để thực hiện giảm các mặt bằng lãi suất OMO và tín phiếu hỗ trợ tăng trưởng tín dụng; đồng thời có cơ hội tích lũy lại kho dự trữ ngoại hối sau khi đã thực hiện bán can thiệp trong Quý II/2024 để ổn định tỷ giá.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng Cá nhân Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank, nguyên nhân chính khiến USD lao dốc là FED gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9. Điều này sẽ giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, một trong những nguyên nhân chính khiến đồng VND mất giá so với đồng USD thời gian trước đó.
"Khi lý do gốc rễ nêu trên được giải quyết thì đồng VND cũng tăng giá trở lại so với USD. Với nền kinh tế nói chung, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ hạ nhiệt, giảm bớt áp lực lạm phát. Áp lực tỷ giá giảm cũng giúp Ngân hàng Nhà nước có nhiều không gian điều hành chính sách tiền tệ hơn", ông Lâm cho biết.
Tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Trọng Ý, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nêu 3 lý do củng cố nhận định tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024. Đó là thặng dư thương mại của Việt Nam dự báo sẽ ở mức cao trong nửa cuối năm, khoảng 6 tỷ USD, điều này sẽ giúp nguồn cung USD trên thị trường dồi dào hơn.
Đặc biệt, việc cắt giảm lãi suất của FED sẽ giảm áp lực lên thị trường ngoại hối vì giảm khả năng sinh lời của hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất; đồng thời giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ của Việt Nam sẽ tăng, tạo dư địa cho SBV ổn định tỷ giá dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, áp lực rút vốn từ tài khoản đầu tư gián tiếp trên cán cân thanh toán dự báo cũng sẽ giảm bớt, qua đó giúp giảm áp lực tỷ giá trong nửa cuối năm nay.
Doanh nghiệp giảm áp lực tài chính
Việc tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng đang giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt chi phí tài chính từ khoản chênh lệch tỷ giá. Theo đó, các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu, đồ uống… hay các nhóm có nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ô tô… được cho là sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tỷ giá hạ nhiệt.
Trước đó, nhóm doanh nghiệp này "ngấm đòn" tỷ giá, khi bức tranh tỷ giá trong nửa đầu năm nay không mấy thuận lợi và mức mất giá của VND lên tới khoảng 4,4%. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia của FiinRatings, môi trường tỷ giá thuận lợi được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí sản xuất và chi phí vốn nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ như xuất nhập khẩu sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chi phí đầu vào giảm. Ngoài ra, đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận dòng vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế cho hoạt động kinh doanh thời gian tới.
Tuy nhiên, FiinRatings cũng lưu ý, đây mới chỉ là xu hướng tạm thời và có thể vẫn có thể xuất hiện các biến động khó lường ảnh hưởng đến tỷ giá trong thời gian tới. Áp lực lên tỷ giá vẫn có thể quay trở lại trong thời gian tới dưới tác động của các yếu tố trong và ngoài nước. Các yếu tố quốc tế có thể kể đến triển vọng nền kinh tế Mỹ, nhu cầu tích trữ đồng USD trước các rủi ro địa chính trị trên toàn thế giới… Trong nước, cầu USD cũng thường tăng mạnh hơn vào cuối năm do nhu cầu nhập nguyên liệu đầu vào cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT của Saigon Ratings cũng nhận định, tỷ giá dự kiến sẽ không biến động mạnh trong các tháng còn lại của năm 2024, do cán cân thương mại được dự báo sẽ tiếp tục thặng dư, lượng kiều hối dồi dào, dòng vốn FDI có nhiều tín hiệu lạc quan và đặc biệt là Fed bắt đầu đưa ra nhiều tín hiệu về một giai đoạn nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần dự phòng cho những yếu tố rủi bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang phục hồi chậm và vẫn còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ tại cuối Quý III và đầu Quý IV nhiều khả năng sẽ tăng cao do hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ các đơn hàng xuất khẩu cuối năm và làm tăng tỷ giá.
Bình luận tiêu biểu (0)