Thông tin tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023 được Bộ TT&TT tổ chức ngày 22/12, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử - Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, để kiểm soát tình trạng trên, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Một trong những giải pháp đã được Bộ TT&TT tập trung xây dựng là “Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Tài liệu này đã hoàn thành và sẽ được công bố vào ngày 27/12 tới.
Theo đó, Cẩm nang sẽ được phát hành dưới dạng sách in và trực tuyến trên các nền tảng số. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan, tổ chức và cá nhân có kiến thức cần thiết để ứng phó và xử lý hiệu quả tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc PTTH&TTĐT đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương để xác minh và xử lý thông tin độc hại, vi phạm pháp luật. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 4.169 phản ánh tin giả; công bố 49 tin giả, 2 website giả mạo bộ ngành và 2 fanpage giả mạo các cơ quan báo chí và yêu cầu mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 1.750 tin giả.
Đây là một trong những kênh thông tin để người dân, doanh nghiệp phản ánh khi nghi ngờ về tính xác thực của thông tin trên mạng hoặc thông tin ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Bộ TT&TT đã cùng các cơ quan chức năng kết hợp nhiều giải pháp, từ ngoại giao, truyền thông đến kỹ thuật tạo sức ép với các nền tảng xuyên biên giới để chặn gỡ nội dung vi phạm pháp luật và yêu cầu nộp thuế trực tiếp với Tổng Cục Thuế.
Tỷ lệ chặn, gỡ thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật trung bình trên các nền tảng xuyên biên giới tiếp tục được nâng cao. Năm 2022, đạt 92%, chủ yếu là trên Facebook, YouTube, TikTok.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, để đạt được những kết quả trên, Bộ TT&TT đã thay đổi tư duy quản lý với phương châm “Muốn quản được phải thấy được”. Năng lực rà quét của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ được nâng lên 300 triệu tin/ngày để giám sát, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin trên mạng. Bộ cũng chuyển giao công cụ và tập huấn sử dụng cho các địa phương để họ chủ động rà quét, xử lý.
Phương thức tiếp cận, đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới cũng thay đổi, nhờ đó các doanh nghiệp đều nâng cao tỷ lệ đáp ứng yêu cầu chặn gỡ của Bộ.
Bộ TT&TT đã đề xuất phối hợp với Bộ VHTT&DL xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội. Dự kiến theo hướng sẽ cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm mạng - tức là hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên Đài PTTH và môi trường mạng.
Trước đó, nằm trong số những nỗ lực phòng, chống tin giả của các cơ quan chức năng, chiều 11/10, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp lần thứ nhất của nhóm công tác chuyên trách ASEAN về tin giả. Đây là sự kiện thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN về thông tin. Sự kiện cũng nằm trong Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 (Việt Nam International Digitak Week - VIDW2022) do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức.
Việc thành lập Nhóm chuyên trách ASEAN về phòng chống tin giả (TFFN) là sáng kiến do Việt Nam xây dựng nhằm thiết lập cơ chế hợp tác đặc trách giữa các nước ASEAN để xử lý và giảm thiểu tác hại về tin giả trong khu vực. Các hoạt động trọng tâm của Nhóm trong thời gian tới là xây dựng quy trình hướng dẫn phối hợp xử lý tin giả, nghiên cứu và tổ chức phát triển hoạt động Kiểm chứng thông tin (Fact Checking) trong ASEAN.
Với việc thành lập và đưa Nhóm chuyên trách ASEAN về phòng chống tin giả sẽ giúp các quốc gia trong khu vực cùng trao đổi, xây dựng khái niệm, cách hiểu chung về những thuật ngữ trực tuyến nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.
Một hoạt động trọng tâm khác của TFFN là phát triển các “best practices” về xử lý sai phạm trực tuyến (chính sách - pháp luật, hỗ trợ kỹ thuật, chiến lược nâng cao nhận thức, cách thức cung cấp thông tin và truyền thông cộng đồng,...).
Thành Đô (tổng hợp)