Thời gian vừa qua, vẫn liên tục xuất hiện những thủ đoạn lừa đảo mới. Trong đó, thuận theo sự gia tăng của các đơn hàng online, phổ biến nhất có thể nói đến chính là thủ đoạn giả danh shipper để chiếm đoạt tài sản.
Trên mạng xã hội, rất nhiều người bày tỏ sự bức xúc khi liên tục nhận những cuộc gọi với thủ đoạn này, thậm chí không chỉ một mà còn nhiều lần. Điều này không chỉ gây cho người dân tâm lý hoang mang mà còn mệt mỏi khi phải liên tục đối mặt với những chiêu trò lừa đảo, làm phiền với ý đồ xấu.
Không khó để tìm thấy những bài viết về việc cảnh báo lừa đảo. Theo đó, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán. Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper.
Khi chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản. Đồng thời, gửi cho người dân đường link trang Facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để người dân liên hệ hủy đăng ký hội viên.
Khi bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân, nạn nhân có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.
Thậm chí có người còn chia sẻ, không chỉ những thông tin về họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng và cơ quan bị lộ mà còn tên cửa hàng quen thường xuyên đặt hàng cũng có thể bị các đối tượng này nắm được. Và những cuộc gọi có thể lặp lại nhiều lần trong những ngày liên tiếp.
Chị L. (Hà Nội) chia sẻ, bản thân chị đã từng bị lừa một lần bởi thủ đoạn này với số tiền thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, không lâu sau, chị L. vẫn tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại với nội dung tương tự. Dù không thể tiếp tục mắc lừa nhưng việc này khiến chị không khỏi khó chịu:
"Không chỉ mình mà cả bố mẹ, bạn bè xung quanh cũng liên tục nhận được những cuộc gọi lừa đảo như vậy. Ngày nào cũng nhận được 1, 2 cuộc gọi lừa ship hàng."
Có thể thấy, các đối tượng thường xuyên nhắm vào những người là nhân viên văn phòng và giao hàng vào thời điểm trong giờ hành chính - khi "con mồi" thường không có mặt tại nhà và đang bận rộn trong giờ làm để thực hiện hành vi lừa đảo thuận lợi hơn. Đồng thời, những đối tượng này cũng hiểu rõ thói quen mua sắm trên mạng của nhiều người hiện nay - mua nhiều hàng và không thể nhớ rõ cụ thể món đồ cũng như giá tiền mua cùng việc sẵn sàng chuyển tiền cho người giao hàng mà không cần kiểm tra.
Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác khi thanh toán mua hàng online. Luôn xác minh thông tin liên quan dịch vụ/chương trình khuyến mãi trực tiếp với đơn vị cung cấp qua số điện thoại hoặc địa chỉ chính thức để bảo đảm giao dịch với đơn vị chính thức và uy tín.
Không chuyển tiền cho bất kỳ ai yêu cầu bạn thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn được đối tượng lạ gửi đến.
Bình luận tiêu biểu (0)