Vào dịp Tết cổ truyền, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được xem là “thủ phủ” của những cành đào đá ở mảnh đất phía Bắc miền Trung. Hàng năm, vào dịp từ 13 đến 28 tháng 12 âm lịch, thương lái từ các vùng miền đổ xô về huyện biên giới Kỳ Sơn để mua đào mang về xuôi bán.
Cùng với lượng mua bán lớn khiến cho “chợ đào” Kỳ Sơn trở nên hết sức sôi động. Những cành đào đá “khủng” cũng xuất hiện với số lượng lớn.
Những cành đào mốc (hay còn gọi là đào đá) có mặt ở thị trấn Mường Xén được lấy từ nhiều nơi như: xã Tây Sơn, Mường Lống, Keng Đu, Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn và nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn.
Năm 2023, khi dịch COVID-19 đã tạm lắng xuống, thị trường cây đào đá để chưng Tết trở nên sôi động trở lại. Những cây đào đá khủng được dựng dọc 2 bên QL7 tại khu vực thị trấn Mường Xén cũng nhiều hơn.
Theo một số người chuyên buôn đào Tết, số lượng cây đào “khổng lồ” năm nay xuất hiện ít hơn nhưng với độ sầm uất của “chợ đào” cũng đủ khiến cho người dân và thương lái choáng ngợp.
Cành đào đá “khủng” nhất ở thị trấn Mường Xén hiện nay thuộc về một người tên An trú tại thị trấn Mường Xén. Anh An đang rao bán cành đào của mình với giá hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, những cành đào có giá từ 15 đến 20 triệu đồng đang được rao bán rất nhiều tại thị trấn Mường Xén.
“Đã có nhiều cành đào hàng chục người ôm được bán và chở về cho các cơ quan, công ty ở miền xuôi rồi”, một người dân nói.
Những cành đào đá “khủng” tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn:
Nhiều người buôn đào cũng bày tỏ nhiều bất tiện khi sở hữu những cành đào khủng. Anh Hồ Vinh, một “thợ” trong nghề buôn đào chia sẻ kinh nghiệm, khi buôn đào không nên chọn những cành đào “khủng” hàng chục triệu đồng vì mức độ “hên – xui” của nó rất lớn. Nếu gặp may, những cành đào này có thể lời hàng chục triệu đồng, nhưng khi không bán được thì nó bị rớt giá rất nhanh và lỗ rất lớn.
“Những cành đào khủng chủ yếu được bán cho các đại gia hoặc doanh nghiệp lớn để họ ăn Tết, nếu bán muộn nó sẽ rớt giá là điều khó tránh khỏi”, anh Vinh nói.
Hồ Phương