Năm 1996, với xu thế hướng về cội nguồn, giữ gìn vào bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã khôi phục lại lễ hội Hang Bua. Năm 1997, Hang Bua được Bộ Văn hóa & Thông tin (nay là bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Mới đây, có mặt tại Hang Bua, PV ghi nhận trên các vách đá của hang chi chít những hình viết vẽ bậy. Không chỉ ngoài cửa hang, đi sâu vào phía trong tình trạng viết vẽ bậy dày khắp các cột và vách đá.
Những hình viết vẽ bậy bằng sơn vàng, trắng, đen với các nội dung chủ yếu họ tên, năm sinh, các câu thể hiện tình yêu đôi lứa, một số vách đá còn viết những câu tục tĩu. Một vài nhũ đá phía trong hang đã bị đập gãy.
Một người dân sống ở gần đó cho biết, những hình vẽ bậy chủ yếu là do các nhóm thanh niên trên địa bàn, học sinh rủ nhau đến hang dạo chơi rồi dùng gạch đá, bút xóa, sơn màu viết vẽ lên các vách đá.
Ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết, tình trạng viết vẽ vậy lên di tích đã xảy ra từ lâu, chính quyền cũng đã dùng vôi tẩy xóa nhưng sợ ảnh hưởng đễn mỹ quan của hang. Hàng tuần vẫn có đoàn thanh niên, các hội làm công tác vệ sinh xung quanh hang.
Theo quy định tại điều 23, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa nghệ thuật sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.
Hà Thủy