Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/11/2023, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các tổ chức tín dụng. Như vậy dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2%, tương đương khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Ý kiến của các ngân hàng và tổ chức tín dụng cho rằng, một trong những nguyên nhân là một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng đặt vấn đề, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm nay lĩnh vực này lại rủi ro vì đây là những doanh nghiệp yếu thế, khi khủng hoảng xảy ra là người gặp khó khăn, vậy phải hỗ trợ như thế nào, có dám chấp nhận những rủi ro không? Hay ví dụ như tầng lớp người dân có thu nhập trung bình và thấp cũng là lĩnh vực mà Chính phủ yêu cầu phải hỗ trợ ưu tiên nhưng thực tế người dân đã khó và không trả được nợ cũ. Do đó, để giải quyết vấn đề này cần một giải pháp đồng bộ.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, những tháng gần đây tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn so với kế hoạch, chính vì vậy mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1224 về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm nay.
Nhấn mạnh kênh dẫn vốn cho nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra, qua đó giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Tinh thần cũng không chủ quan nhưng nếu các doanh nghiệp có nhu cầu phải ưu tiên cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển bền vững trong thời gian tới.
“Tôi đề nghị trong tháng còn lại Ngân hàng Nhà nước điều hành sát với sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan tới cấp tín dụng cho nền kinh tế, kể cả điều kiện, nội dung có liên quan tới điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hấp thụ của nền kinh tế. Điều hành làm sao để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đáp ứng được nhu cầu cho nền kinh tế, ưu tiên như một số lĩnh vực, một số chương trình và phải phối hợp với các bộ ngành địa phương đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.