Saudi Arabia có kế hoạch “mở van” vào tháng 12
Tờ Business Insider (Mỹ) ngày 14/10 đưa tin, Saudi Arabia mới đây được cho là đã đưa ra cảnh báo rằng giá dầu thô có thể giảm xuống mức thấp tới 50 USD/thùng nếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cam kết cắt giảm sản lượng dầu.
Trong cuộc họp trực tuyến của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman từng cảnh báo các nhà sản xuất đối tác rằng giá dầu có thể giảm xuống 50 USD/thùng nếu họ không tuân thủ các cam kết cắt giảm sản lượng đã thỏa thuận, các đại biểu OPEC tham dự cuộc họp nói với tờ Wall Street Journal (Mỹ).
Thông điệp của Riyadh là "không có lý do gì để sản xuất thêm nhiều dầu hơn nếu không còn chỗ cho chúng trên thị trường", một đại biểu tham dự cho biết. "Tốt hơn là một số đối tác nên tôn trọng các cam kết của họ đối với OPEC+".
Các nhà phân tích cho biết, Saudi Arabia đang ám chỉ rằng họ có thể làm tràn ngập thị trường bằng nguồn cung dầu dồi dào. Động thái này sẽ làm giảm mạnh giá dầu và trừng phạt các thành viên OPEC không chịu hợp tác trong việc cắt giảm sản lượng, bao gồm cả Nga.
"Với việc Nga đã bán dầu với giá chiết khấu và chi phí sản xuất cao hơn, tình hình giá dầu thấp trên thị trường dầu mỏ có thể ảnh hưởng đến khả năng tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của nước này ở Ukraine", nhà nghiên cứu Luke Cooper tại Trường Kinh tế London đã đã viết cho Tạp chí IPS (Bỉ).
Saudi Arabia - quốc gia đóng vai trò dẫn dắt chủ chốt trong OPEC - đã cố gắng giữ giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng bằng cách thúc đẩy các nước thành viên cắt giảm sản lượng. Nhưng với việc giá dầu thô quốc tế hiện dao động dưới mức 80 USD/thùng, nỗ lực này đã không có hiệu quả. Để thay đổi chiến lược, các nguồn tin nói với tờ Financial Times (Anh) rằng Riyadh hiện có kế hoạch “mở van” vào tháng 12 tới.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Nga
Dữ liệu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings xếp Nga vào nhóm các nước sản xuất quá mức trong OPEC+. Theo dữ liệu mới nhất, Moscow đã sản xuất vượt hạn ngạch hàng ngày 122.000 thùng vào tháng 7. Iran và Kazakhstan cũng đã vi phạm ngưỡng đã thỏa thuận.
Simon Henderson - giám đốc Chương trình Bernstein về Vùng Vịnh và Chính sách Năng lượng tại Viện Washington - nói với Business Insider rằng, một số thành viên OPEC+ có thể đang làm như vậy để tối đa hóa lợi nhuận.
Theo Henderson, trong trường hợp của Nga, nước này đang đối mặt với áp lực phải tăng nguồn thu càng nhiều càng tốt bởi cuộc chiến ở Ukraine đã làm tăng vọt chi tiêu quốc phòng và an ninh trong ba năm chiến sự. Các lĩnh vực này sẽ chiếm tổng cộng 40% tổng chi tiêu của chính phủ Nga vào năm tới.
Trong khi đó, tài chính của Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết vào tuần trước rằng, một vài năm trước, sản xuất khí đốt và dầu mỏ chiếm 35% - 40% doanh thu ngân sách của nước này.
Chính vì lý do này mà phương Tây đã tập trung vào việc kiềm chế lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga. Mặc dù việc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga không thu được kết quả như mong đợi, nhưng nó được coi là biện pháp để duy trì nguồn cung dầu ổn định trong khi kìm hãm nguồn doanh thu rất quan trọng của Nga.
Mặc dù Nga đã lách được mức trần này bằng cách sử dụng đội tàu chở dầu "ma" không đăng ký, nhưng mối đe dọa 50 USD/thùng dầu của Saudi Arabia có thể khó vượt qua hơn.
Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ nếu việc thả nổi nguồn cung của Saudi Arabia làm bùng nổ cuộc chiến giá dầu giữa Nga và vương quốc này. Chuyên gia Henderson cho rằng điều này có thể xảy ra, ám chỉ đến một sự kiện tương tự từng xảy ra vào năm 2020.
Vào thời điểm đó, những bất đồng về việc cắt giảm sản lượng dầu đã thúc đẩy cả hai quốc gia giải phóng nguồn cung, thử thách xem ai có thể tồn tại lâu hơn trong điều kiện giá thấp này.
Trong những tình huống như vậy, dự trữ ngoại hối sẽ trở nên thiết yếu, nhưng đó lại có thể là vấn đề đối với Nga, Henderson nhận định.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, sự bảo đảm của Nga trong tình huống giá dầu thấp đã không còn. Quỹ Tài sản Quốc gia của Nga đã giảm gần một nửa vào đầu năm nay và không còn có thể tìm nguồn tiền tệ phương Tây để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình.
Theo ông Henderson, vẫn chưa biết liệu Moscow có muốn tham gia vào cuộc chiến giá cả với Riyadh hay không, xét đến những ưu tiên khác cấp bách hơn của Nga. Rất khó để dự đoán các động thái của Điện Kremlin, xét đến nhiều yếu tố tiềm ẩn liên quan đến doanh số bán dầu của Nga.
Hồi tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết vẫn chưa rõ liệu OPEC có tăng sản lượng dầu tại cuộc họp vào tháng 12 hay không. Trước đó, vào đầu tháng 10, các thành viên chủ chốt của OPEC+ đã nhất trí sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế sản lượng vào tháng 12.
Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, nhà nghiên cứu Cooper đến từ Trường Kinh tế London coi một cuộc chiến giá cả tiềm tàng là tin xấu đối với Nga.
"Không giống như Saudi Arabia, giá thành khai thác dầu của [Nga] không hề rẻ, khiến nước này không đủ khả năng ứng phó với tình hình giá dầu thấp. Điều này thúc đẩy logic leo thang ngắn hạn cho cuộc chiến của Nga với Ukraine, đòi hỏi phải có những thành công nhanh chóng trên chiến trường trước khi tình hình giá dầu thấp xuất hiện", Cooper nói.
Hữu Hiển