Theo Ths. BS Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Nội khoa (Bệnh viện E), bác sĩ đã tiếp nhận không ít những trường hợp chạy, vận động, lao động gắng sức vào viện trong tình trạng suy thận.
Đa phần bệnh nhân chỉ đi khám sau khi đau cơ dữ dội, mệt nhiều, tiểu ra nước có màu đỏ, một số trường hợp khác có choáng ngất. Khi có những triệu chứng điển hình này, bệnh nhân thường đã có tổn thương cầu thận.
Cách đây 2 tháng, bệnh viện có tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân L (32 tuổi, tại Hà Nội). Bệnh nhân sức khoẻ tổng thể tốt, đã có gia đình.
Anh L thường chạy bộ để tăng cường sức khoẻ. Theo lời anh L, anh có thể chạy với quãng đường 10.000 mét liên tục. Anh L được cho là nhân tố triển vọng cho giải chạy mỗi khi cơ quan tổ chức hoạt động thể thao phong trào.
Nhân dịp kỷ niệm thành lập cơ quan, công đoàn tổ chức giải chạy phong trào. Anh L đã đang ký tham gia. Tuy nhiên, trước giải chạy vài ngày, anh L bị tiêu chảy. Thời điểm giải chạy diễn ra, anh đã đỡ tiêu chảy nên vẫn tham gia.
(Ảnh minh họa)
Bác sĩ Phong cho biết bệnh nhân đã có tình trạng mất nước trước đó. Anh L cũng không dám uống nước trước khi chạy vì sợ tức bụng. Khi chạy được 4.000 m thì bệnh nhân ngã gục xuống đất và được đưa vào viện cấp cứu.
Bênh nhân được đưa vào viện trong tình trạng suy thận, tiêu cơ vân cấp. Rất may, bệnh nhân không phải lọc máu. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện.
Sai lầm tai hại khi tập luyện
Bác sĩ Phong cho hay bệnh nhân L là một người trẻ tuổi, luyện tập thường xuyên nhưng vào thời điểm tham gia chạy, cơ thể đã mất nước trước đó. Ngoài ra, anh L mắc sai lầm nghiêm trọng là không dám uống nước, dẫn tới mất nước nghiêm trọng, gắng sức. Hậu quả là bệnh nhân rối loạn điện giải, choáng ngất, suy thận, tiêu cơ vân cấp.
Để đảm bảo an toàn khi luyện tập thể thao, bác sĩ Phong khuyên khi đang có vấn đề về sức khoẻ, mọi người không nên cố tập. Như trường hợp của anh L là một người có cường độ tập luyện liên tục, nhưng khi có vấn đề sức khoẻ vẫn cố chạy là rất nguy hiểm.
Lưu ý tập luyện an toàn
Bác sĩ Phong cũng cho biết thêm: Trong tập luyện thể thao luôn có một khuyến cáo đảm bảo an toàn là tập luyện nâng dần mức độ. Mọi người nên chạy ở những cự ly ngắn trước rồi tăng cự ly dần, không nên đột ngột chạy cự ly dài sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ tiêu cơ vân cấp do vận động quá sức.
Khi tập thể thao quá sức, hậu quả nhẹ có thể là đau cơ, tiêu cơ vân cấp; nặng có thể suy thận phải lọc máu, thậm chí có trường hợp ngừng tim. Hậu quả lâu dài, có những trường hợp suy thận cấp sau đó vẫn có những tổn thương cầu thận gây ra do suy thận mãn sau đó.
Một lưu ý quan trọng nữa được bác sĩ Phong lưu ý là cần phải uống đủ nước, bù điện giải khi chơi thể thao. Không vì bất kể lý do gì mà nhịn uống nước khiến cơ thể sốc, rối loạn tuần hoàn. Trường hợp anh L là một ví dụ điển hình - do không bổ sung đủ nước đã dẫn tới hậu quả phải nhập viện cấp cứu.
Nhu cầu uống nước hàng ngày sẽ phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý. Lượng nước cần thiết đối với từng đối tượng sẽ khác nhau, cụ thể:
- Trẻ em dưới 10kg, với mỗi kg cân nặng sẽ cần 100ml nước/ngày, tương đương cần nạp vào cơ thể khoảng 1 lít nước/ngày.
- Trẻ từ 10 - 20kg thì sẽ cần nạp vào cơ thể mỗi cân nặng tăng thêm sau 10kg là 50ml nước/kg, khi trẻ được 20kg thì một ngày cần 1,5 lít nước.
- Trẻ từ 20 - 40kg, mỗi kg tăng thêm sau 20kg cần 20ml nước/kg; khi trẻ được 40kg thì cần nạp vào cơ thể khoảng 1,9 lít nước/ngày.
- Với người trưởng thành có cân nặng 40 - 60kg, cần nạp 40ml nước/kg/người/ngày, tức là cần 1,6 lít tới 2,4 lít nước/ngày.
- Người cao tuổi khỏe mạnh (từ 60 tuổi trở lên) sẽ cần lượng nước thấp hơn người trưởng thành. Người cao tuổi cần khoảng 30ml nước/kg/người/ngày. Đối với người có bệnh lý, việc uống nước cần phải cẩn trọng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngọc Minh
Bình luận tiêu biểu (0)