Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 11/10 cho biết sứ mệnh DART đã thành công trong việc thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh Dimorphos sau khi tàu vũ trụ của NASA va chạm có chủ đích với khối đá vũ trụ này vào ngày 26/9 vừa qua.
Sau hai tuần thu thập và phân tích dữ liệu, cơ quan này phát hiện ra rằng tác động của DART đã rút ngắn quỹ đạo của tiểu hành tinh xung quanh mẹ của nó, Didymos tới 32 phút. Trước đó, Dimorphos mất 11 giờ 55 phút để quay quanh quỹ đạo của tiểu hành tinh mẹ lớn hơn-Didymos. Hiện, quỹ đạo của Dimorphos quanh Didymos đã giảm xuống còn 11 giờ 23 phút.
Trước vụ va chạm ngày 26/9, NASA ước tính DART cần thay đổi chu kỳ quỹ đạo của các Dimorphos 73 giây hoặc hơn để gọi là thử nghiệm thành công. Con tàu vũ trụ đã đánh bại điểm chuẩn đó hơn 25 lần.
Theo NASA, đây là lần đầu tiên nhân loại thay đổi có chủ đích được chuyển động của một vật thể ngoài vũ trụ và cũng là lần đầu tiên thể hiện được một cách toàn diện công nghệ dịch chuyển tiểu hành tinh.
“Nếu một tiểu hành tinh đe dọa Trái đất được phát hiện và chúng tôi có thể nhìn thấy nó đủ xa, kỹ thuật này có thể được sử dụng để làm chệch hướng nó,” Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết trong cuộc họp báo mà cơ quan vũ trụ tổ chức hôm thứ Ba.
"NASA đã chứng minh rằng chúng tôi nghiêm túc với tư cách là người bảo vệ hành tinh. Đây là thời điểm quan trọng cho sự bảo vệ hành tinh và toàn thể nhân loại, thể hiện cam kết từ đội ngũ đặc biệt của NASA và các đối tác từ khắp nơi trên thế giới."
NASA đã khởi động sứ mệnh DART vào tháng 11/2021. Con tàu vũ trụ cỡ nhỏ này đang di chuyển với tốc độ khoảng 14.000 dặm (22.530 km) mỗi giờ khi nó vượt qua những con đường có Dimorphos cách Trái đất gần 68 triệu dặm.
Thành công của DART chứng minh chiến lược sử dụng tàu vũ trụ để thay đổi đường đi của một tiểu hành tinh có thể hoạt động để cứu hành tinh, với điều kiện một tảng đá không gian như vậy được phát hiện đủ sớm và không quá lớn. Dimorphos có kích thước bằng một sân vận động bóng đá, nhỏ hơn nhiều so với tiểu hành tinh đã xóa sổ 75% sự sống đa bào trên Trái đất 66 triệu năm trước.
Nguyên Đỗ (Theo NASA, Engadget)