Trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tày, Mông, Phù Lá,...sinh sống tại Bắc Hà, ngựa là con vật gần gũi, quen thuộc. Vào năm 2021, đua ngựa Bắc Hà đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và đến 2024 là năm thi thứ 17 từ khi chính thức được khôi phục.
Vòng chung kết giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà (Lào Cai) lần thứ 17 được tổ chức hằng năm tại sân vận động huyện Bắc Hà. Giải đấu được tổ chức mở rộng không chỉ dành cho nài ngựa địa phương, mà các khu vực lân cận cũng có thể đăng ký tham gia.
Lễ hội là nét đặc trưng của vùng cao nguyên trắng Bắc Hà, từ sáng sớm mặc cho cơn mưa khá nặng hạt đã có rất nhiều khán giả địa phương và cả du khách thập phương đổ về sân vận động huyện để tận mắt chứng kiến những bước chạy của những chú ngựa thồ.
Phía bên ngoài, các nài ngựa cũng đã có mặt để chuẩn bị chờ đến lượt vào thi đấu, năm nay ngoài các nài ngựa tại Bắc Hà, có cả sự tham gia góp mặt từ những nài ngựa đến từ huyện Bát Xát (Lào Cai).
Nhiều người đến xem hiếu kỳ tranh thủ lưu lại những bức hình kỉ niệm với những chú ngựa thồ này, khác với dưới xuôi, trẻ em Bắc Hà cũng đã có thể ngồi lên lưng ngựa từ ngày 3-4 tuổi.
Nài ngựa Tráng A Giờ (Bát Xát) tự chuẩn bị cả những bộ giáp chân, tay để tránh chấn thương khi không may xảy ra sự cố, anh chia sẻ: "Mình xuống tới Bắc Hà từ mấy hôm trước, thuê xe chở cả người và ngựa xuống để tham gia cuộc đua, đây là năm thứ 3 mình tham gia thi và đặt mục tiêu giành chức vô địch".
Các nài ngựa năm nay đều đặt mục tiêu cao, những chú ngựa có vóc dáng đồng đều, tuy nhiên cuộc đua này không chỉ cần sức nhanh mà còn cả sức bền, càng vào sâu, những chú ngựa sẽ cần duy trì được sức bền do phải thi đấu liên tục. Tại vòng chung kết giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà lần thứ 17 có 32 nài ngựa đã xuất sắc vượt qua vòng loại để cùng tranh ngôi vô địch.
Cuộc đua gay cấn ngay từ những lượt đua đầu tiên. Những tay đua không chuyên đầu đội mũ bảo hiểm, chân đi dép tổ ong hoặc giày ba ta, cưỡi trên lưng ngựa không yên cương cùng với sự quyết tâm cao độ trong từng lượt đấu.
Trong 32 nài ngựa, qua từng lượt đua Ban tổ chức sẽ chọn ra 4 nài ngựa có thành tích tốt nhất qua từng vòng để tham gia vào trận chung kết hương tới danh hiệu "Mã Vương".
Do sức hút lớn, lượng khán giả đổ về rất đông, nhiều người đã chọn theo dõi từ phía bên ngoài hàng rào sân vận động, hoặc những khu vực nhà cao tầng xung quanh sân vận động để vẫn có thể nắm bắt được tình hình của cuộc đua.
Cuộc đua diễn ra rất gay cấn, các nài ngựa cạnh tranh nhau trong từng khúc cua, từng cú nước rút, tuy nhiên không phải ai cũng có thể hoàn thành trọn vẹn cuộc đua, điển hình như trường hợp nài ngựa số 91, chú ngựa này đã bị trượt ngã trong khúc cua trước khi kết thúc vòng đấu.
Tại vòng đua chung kết định đoạt ngôi vị "Mã Vương", nài ngựa Tráng A Giờ số 79 (Bát Xát) cùng chú ngựa của mình xuất sắc về đích đầu tiên, các nài ngựa xếp sau lần lượt là Tráng A Ma (Bát Xát) về thứ hai, tiếp theo vị trí ba tư thuộc về hai nài ngựa Giàng Seo Vư (xã Thải Giàng Phố) và nài ngựa Nông Văn Toàn (xã Hoàng Thu Phố). Trước đó tại vòng loại, người đứng đầu chung cuộc cũng là nài ngựa Tráng A Giờ.
Kết thúc cuộc đua, rất nhiều khán giả tranh thủ chụp ảnh lưu niệm cùng nhà vô địch, cùng với đó người dân nơi đây cũng tin rằng việc chạm tay vào chú ngựa được phong "Mã Vương" sẽ đem lại may mắn cho cả một năm.